Hội thảo khoa học: Địa danh lịch sử - văn hoá và danh thắng vùng miền núi Thanh Hoá – Giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị

Cập nhật lúc: 03:10 CH ngày 17/04/2021

Sáng ngày 16/04/2021, Trường Đại học Hồng Đức đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Địa danh lịch sử - văn hoá và danh thắng vùng miền núi Thanh Hoá – Giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị”. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Nguồn gốc, sự biến đổi và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị địa danh lịch sử - văn hoá và danh thắng vùng miền núi Thanh Hoá” do TS. Vũ Thị Thắng, giảng viên Khoa KHXH, làm chủ nhiệm.

PGS.TS. Mai Văn Tùng - Trưởng khoa KHXH phát biểu chủ trì Hội thảo

Tham dự hội thảo có PGS. TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo phòng Văn hoá TT&DL các huyện Lang Chánh, huyện Thạch Thành; các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Văn hoá thể thao và Du lịch Thanh Hoá; lãnh đạo các phòng, ban chức năng, các tác giả có bài tham luận và đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo tham luận từ các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học trong và ngoài tỉnh, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Hội thảo đã tập trung làm rõ: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc bảo tồn và phát huy giá trị của địa danh lịch sử - văn hoá vùng miền núi Thanh Hoá; thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của địa danh lịch sử - văn hoá vùng miền núi Thanh Hoá.

TS. Vũ Thị Thắng, giảng viên Khoa KHXH, trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS.TS. Mai Thị Hồng Hải, giảng viên khoa KHXH, đã đặt ra vấn đề về các địa danh và giá trị của chúng thông qua tham luận “Vài nét về địa danh vùng miền núi Thanh Hóa”. PGS đã phân loại địa danh thành địa danh hành chính và địa danh phi hành chính, giải thích về nguồn gốc ngôn ngữ của các địa danh,… Đồng thời, PGS cũng đã điểm qua các địa danh lịch sử - văn hoá cụ thể làm căn cứ cho việc nghiên cứu địa danh ở vùng miền núi nói chung. ThS. Ngô Xuân Sao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu KHXH&NV, lại đề xuất: cần xây dựng tiêu chí, lựa chọn địa danh tiêu biểu lập bản đồ địa danh lịch sử - văn hoá và danh thắng phục vụ phát triển du lịch vùng miền núi Thanh Hoá. TS. Ngô Xuân Sao cho rằng, đây là một trong những giải pháp khả thi, hữu hiệu và bền vững trong việc bảo tồn các địa danh di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng nói chung và những địa danh ở miền núi Thanh Hoá nói riêng. Các tác giả TS. Nguyễn Thị Lý – TS. Nguyễn Thị Việt Hưng, TS. Đào Thanh Thuỷ - TS. Lê Thị Thảo, ThS. Vũ Ngọc Định,… có cùng hướng nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của các địa danh di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng trong phát triển du lịch cho vùng miền núi Thanh Hoá. TS. Nguyễn Thị Vân, giảng viên Khoa KHXH, lại quan tâm đến việc phát huy giá trị của địa danh lịch sử - văn hóa trong việc giáo dục thể hệ trẻ. Theo TS. Nguyễn Thị Vân việc tổ chức hoạt động trải nghiệm tại các địa danh lịch sử - văn hóa có tác dụng giáo dục toàn diện đối với thế hệ trẻ, giúp học sinh chủ động tìm hiểu về các di tích tại vùng đất quê hương, trực tiếp trải nghiệm, tham quan những chứng tích lịch sử, sống trong không gian di sản, cảm nhận truyền thống văn hóa của dân tộc, các em sẽ được bồi đắp lòng tự hào về quê hương, đất nước. Qua đó, các em có ý thức trân trọng, bảo vệ và phát huy giá trị các địa danh lịch sử - văn hóa tại địa phương.

Bên cạnh đó, một số ý kiến tại hội thảo của các nhà quản lý cũng đã trao đổi, thảo luận làm rõ vấn đề về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý các địa danh di tích – danh thắng đã được xếp hạng trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá.

ThS. Ngô Xuân Sao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu KHXH&NV
trình bày tham luận tại hội thảo
TS. Nguyễn Văn Thế - Phó trưởng phòng QLKH&CN phát biểu ý kiến tại hội thảo

Từ những nội dung của các tham luận và những ý kiến trao đổi trực tiếp của các đại biểu tham dự, Hội thảo đã có cái nhìn sâu sắc và hoàn thiện hệ thống các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của địa danh lịch sử - văn hoá vùng miền núi Thanh Hoá. Đồng thời, những ý kiến đóng góp trên sẽ được nhóm nghiên cứu chọn lọc đưa vào đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Nguồn gốc, sự biến đổi và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị địa danh lịch sử - văn hoá và danh thắng vùng miền núi Thanh Hoá” để đề tài được hoàn thiện, có chất lượng tốt hơn và nhanh chóng được triển khai, áp dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa./.

 
Các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại hội thảo
 
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
 
BBT website

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo

Album

số lượt truy cập
40579961