Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm
Cập nhật lúc: 08:40 AM ngày 11/04/2013

 QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU

KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1078/QĐ – ĐHHĐ ngày 3/8/2012 của Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

          Điều 1. Phạm vi

          Quy chế quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trực thuộc trường Đại học Hồng Đức (sau đây gọi tắt là Trung tâm).

          Điều 2. Tên gọi và biển hiệu của Trung tâm

          1. Tên của Trung tâm: Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

          Tên tiếng Anh: Center for social scienses and humanities.

          2. Địa chỉ của Trung tâm: Nhà A5, cơ sở 2, trường Đại học Hồng Đức (số 307 Lê Lai, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa).

          3. Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn có biển hiệu gồm những nội dung chính sau đây:

          - Phía trên chính giữa: tên trường Đại học Hồng Đức;

          - Ở giữa: tên Trung tâm (tiếng Việt và tiếng Anh);

          - Phía dưới: các địa chỉ của Trung tâm, điện thoại liên hệ: 0373. 220. 369

Điều 3. Chức năng

Tổ chức nghiên cứu, triển khai chương trình, đề tài nghiên cứu, ứng dụng Khoa học Xã hội và Nhân văn; tư vấn về mặt khoa học cho các chương trình dự án, kế hoạch phát triển của trường, của tỉnh.

Điều 4. Nhiệm vụ

1. Triển khai các chương trình, dự án và đề tài nghiên cứu khoa học về Khoa học Xã hội và Nhân văn, về Thanh Hóa học.

2. Tư vấn khoa học trong lĩnh vực phát huy thế mạnh, tiềm năng của con người Thanh Hóa cho lãnh đạo tỉnh và Nhà trường; tư vấn về mặt khoa học Xã hội - Nhân văn cho các chương trình, kế hoạch, chiến lược, dự án của trường, của tỉnh.

4. Tham gia xây dựng và thực hiện các đề tài nghiên cứu liên ngành về Khoa học Xã hội và Nhân văn, về Thanh Hóa.

5. Tham gia bồi dưỡng kiến thức về Khu vực học, Thanh Hóa học và khoa học phát triển cho cán bộ lãnh đạo cấp xã, phường trở lên; tham gia đào tạo, liên kết đào tạo chuyên gia về các lĩnh vực trên.

6. Xây dựng và tham gia xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế, hợp tác trong nước về Khoa học Xã hội và Nhân văn, về Thanh Hóa học và khoa học phát triển.

7. Quản lý lao động, cơ sở vất chất, trang thiết bị của Trung tâm đúng quy định; tăng cường đầu tư nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm.

8. Định kỳ 6 tháng hoặc khi có yêu cầu báo cáo Hiệu trưởng về hiệu quả hoạt động và các mặt hoạt động khác của Trung tâm.

Chương 2

TỔ CHỨC VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH

          1. Điều 5. Cơ cấu tổ chức và biên chế.

          1. Trung tâm có Giám đốc và 1 phó giám đốc

          2. Biên chế của Trung tâm được xác định theo nhu cầu hoạt động thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể và được Hiệu trưởng phê duyệt hàng năm.

          2. Điều 6. Quản lý và điều hành của Trung tâm.

          3. Giám đốc Trung tâm là người trực tiếp quản lý, điều hành các hoạt động của Trung tâm theo quy định của pháp luật và theo các quy định của Quy chế này.

          4. Giám đốc Trung tâm được bổ nhiệm theo quy trình, theo nhiệm kỳ; mỗi nhiệm kỳ là 5 năm, do Hiệu trưởng bổ nhiệm.

          5. Trách nhiệm và quyền hạn của Giám đốc:

          a. Chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng toàn bộ hoạt động của Trung tâm; lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện kế hoạch, các nhiệm vụ được giao của Trung tâm;

          b. Xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng, năm của mỗi cán bộ, nhân viên trong Trung tâm làm cơ sở thanh toán tiền lương, tiền công;

          c. Quản lý cơ sở vật chất và các tài sản của Trung tâm;

          d. Quản lý cán bộ, nhân viên và tất cả những người tham gia hoạt động với Trung tâm;

          e. Ký các loại văn bản giấy tờ theo chức năng nhiệm vụ của Trung tâm;

          f. Được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

          Điều 7. Phó giám đốc.

          1. Giúp việc cho Giám đốc Trung tâm là Phó Giám đốc. Phó Giám đốc Trung tâm được bổ nhiệm theo quy trình, theo nhiệm kỳ của Giám đốc, mỗi nhiệm kỳ là 5 năm, do Hiệu trưởng bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm.

          2. Phó Giám đốc Trung tâm có những trách nhiệm và quyền hạn sau đây:

          a. Thực hiện và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về những việc được Giám đốc phân công;

          b. Thay mặt Giám đốc điều hành hoạt động của Trung tâm khi được Giám đốc ủy quyền;

          c. Được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

          Điều 8. Quản lý và điều hành của Trung tâm

          1. Quản lý và điều hành về chuyên môn.

          a. Trung tâm chịu sự quản lý trực tiếp của Hiệu trưởng Nhà trường trong quản lý điều hành các hoạt động của Trung tâm.

          b. Tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc lập, triển khai, kiểm tra, đánh giá các mặt hoạt động theo kế hoạch hàng năm được Hiệu trưởng phê duyệt.

          c. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của Nhà trường. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo theo yêu cầu của Hiệu trưởng.

          2. Quản lý điều hành về tài chính

          Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ tài chính do Hiệu trưởng quy định từng phần theo lộ trình của Nghị định 115/2005/NĐ-CP; thực hiện hạch toán theo chế độ báo sổ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được lập tài khoản theo quy định; thực hiện chức năng quản lý và điều hàn Nhà nước về tài chính theo “Quy chế chi tiêu nội bộ” của Trung tâm (được Hiệu trưởng phê duyệt) và theo quy định hiện hành.

          Điều 9. Cơ chế tài chính.

          1. Trung tâm xây dựng kế hoạch cụ thể tạo nguồn kinh phí theo nguyên tắc “lấy thu bù chi” nhằm duy trì hoạt động của Trung tâm và đóng góp nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước và Nhà trường.

          2. Nhà trường hỗ trợ tiền lương, tiền công và kinh phí đóng các loại bảo hiểm theo quy định của Nhà nước cho cán bộ, viên chức, người lao động (đã được Nhà trường ký hợp đồng) của Trung tâm, mức hỗ trợ theo lương cơ bản hiện hưởng (số năm hỗ trợ do Hiệu trưởng quyết định dựa trên khả năng phát triển của đơn vị). Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm chi trả tiền lương, tiền công cho cán bộ, viên chức, người lao động trên cơ sở thực tế khối lượng, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ đã được Hiệu trưởng phê duyệt.

          Cán bộ viên chức là giảng viên được điều động, bổ nhiệm giữ các chức vụ của Trung tâm nếu hoàn thành định mức lao động theo chức danh giảng viên thì được hưởng các chế độ theo quy định đối với nhà giáo và do Nhà trường cấp.

          3. Căn cứ vào doanh thu từ các hoạt động của Trung tâm, Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm phân phối thu nhập còn thiếu so với ngạch bậc lương hiện hưởng, các thu nhập khác như đối với CBVC trong trường và theo đúng quy định của tài chính.

Chương 3

CÁN BỘ, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 10. Cán bộ, viên chức và người lao động.

Cán bộ, viên chức và người lao động của Trung tâm là những người trong biên chế (làm việc theo chế độ nghiên cứu viên) và hợp đồng do Hiệu trưởng hoặc Giám đốc Trung tâm ký.

Điều 11. Nhiệm vụ.

1. Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Giám đốc Trung tâm;

2. Không ngừng bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác;

3. Chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất, đăng ký và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; tìm kiếm các dịch vụ, các đối tác thuộc phạm vi nhiệm vụ nhằm tăng nguồn thu cho Trung tâm;

4. Giữ gìn uy tín của Trung tâm, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, hoàn thành có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Điều 12. Quyền lợi.

1. Được Trung tâm tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Được hưởng mọi quyền lợi đối với cán bộ viên chức; người lao động hợp đồng được hưởng quyền lợi theo thỏa thuận trên cơ sở của quy định của Nhà nước.

3. Được tham gia các hoạt động của Trung tâm, Nhà trường, các tổ chức đoàn thể tổ chức.

          Điều 13. Hợp đồng lao động theo công việc.

1. Trung tâm có thể ký kết hợp đồng lao động theo công việc để thực hiện nhiệm vụ do Trung tâm quản lý (bao gồm các chuyên gia và lao động phổ thông), nhưng phải báo cáo trước với Hiệu trưởng (qua phòng Tổ chức - Cán bộ); kinh phí hợp đồng lao động do Trung tâm tự chi trả từ các hợp đồng.

          2. Trình độ, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của người lao động hợp đồng được quy định cụ thể trong hợp đồng của Trung tâm với các đối tác tham gia.

Chương 4

CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TÀI CHÍNH

          Điều 14. Cơ sở vật chất.

1. Cơ sở vật chất của Trung tâm do Nhà trường trang bị và tự mua sắm bằng nguồn kinh phí của Trung tâm trên cơ sở kế hoạch được Hiệu trưởng phê duyệt, gồm: phòng làm việc, phòng tư liệu; các trang thiết bị, tài liệu phục vụ cho các hoạt động của Trung tâm.

2. Trung tâm có trách nhiệm quản lý sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất theo quy định.

Điều 15. Nguồn tài chính.

Nguồn tài chính của Trung tâm bao gồm:

1. Hỗ trợ của Nhà trường cấp hàng năm theo khoản 2 Điều 9 của Quy chế;

2. Các khoản thu từ các hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, chương trình dự án và các hoạt động dịch vụ khác;

3. Nguồn tài trợ, viện trợ của các cơ quan tổ chức cá nhân trong và ngoài nước;

4. Thu từ các nguồn kinh phí khác hợp lý, hợp lệ theo quy định của Pháp luật.

Điều 16. Sử dụng nguồn tài chính.

Nguồn tài chính của Trung tâm được sử dụng vào các việc sau:

1. Trả lương và các phụ cấp khác cho cán bộ, viên chức, người lao động;

2. Các hoạt động thường xuyên được quy định đối với Trung tâm;

3. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phục vụ đào tạo của Trung tâm;

4. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, chương trình, dự án;

          5. Trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, phương tiện, tài liệu;

          6. Chi thi đua, khen thưởng;

          7. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

          Điều 17. Quản lý tài sản, tài chính.

          1. Giám đốc Trung tâm là người chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng và pháp luật trong quản lý tài sản và tài chính theo đúng quy định của Nhà nước.

          2. Việc quản lý thu, chi từ các nguồn tài chính của Trung tâm tuân theo các quy định của Nhà nước; chấp hành đầy đủ các chế độ kế toán, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định.

Chương 5

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

          Điều 18. Thanh tra, kiểm tra.

          Trung tâm tự tổ chức kiểm tra mọi hoạt động và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Nhà trường và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

          Điều 19. Khen thưởng.

          Cá nhân, tập thể thực hiện tốt, có nhiều đóng góp cho Trung tâm và Nhà trường được khen thưởng theo quy định hiện hành.

          Điều 20. Xử lý vi phạm

          1. Tập thể hoặc cá nhân của Trung tâm làm trái với các quy định của Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của Nhà trường và của pháp luật.

          2. Khi Trung tâm làm trái với quy định của Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị Hiệu trưởng Nhà trường xử lý theo các mức sau đây:

          - Nhắc nhở bằng văn bản.

          - Quyết định tạm ngừng hoạt động của Trung tâm.

          - Quyết định giải thể Trung tâm.

          - Đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 6

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

          Điều 21. Phòng Kế hoạch – Tài chính chủ trì phối hợp với Trung tâm và các đơn vị liên quan thống nhất hồ sơ, thủ tục và thanh toán tiền lương, tiền công cho cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm theo quy định tại Điều 9 Quy chế này.

          Điều 22. Quy chế này được áp dụng cho Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn và có hiệu lực từ ngày ký quyết định ban hành. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, cán bộ nhân viên trường Đại học Hồng Đức, các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm, Hiệu trưởng xem xét quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU TRƯỞNG

        (Đã ký)

 

Nguyễn Mạnh An


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing