Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
BƠM THỦY NĂNG HDBT – MỘT LOẠI BƠM SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUỒN NƯỚC RẤT THÍCH HỢP VỚI CÁC VÙNG MIỀN NÚI
Cập nhật lúc: 02:55 PM ngày 30/03/2018
Công nghệ bơm HDBT được xuất phát từ dự án KHCN cấp tỉnh: “Sản xuất bơm thủy năng HDBT cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các vùng miền núi” do Trung tâm Nghiên cứu ƯDKHCN trường đại học Hồng Đức thực hiện đã được công nhận kết quả.

          Công nghệ bơm HDBT được xuất phát từ dự án KHCN cấp tỉnh: “Sản xuất bơm thủy năng HDBT cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các vùng miền núi” do Trung tâm Nghiên cứu ƯDKHCN trường Đại học Hồng Đức thực hiện đã được công nhận kết quả. Đây là một loại bơm dùng sức nước, hoạt động dựa trên nguyên lý tích áp, chỉ cần một dòng nước có vận tốc không lớn chảy qua bơm là bơm có thể hoạt động đưa nước lên rất cao. Bơm thủy năng HDBT có độ bền cao, giá thành rẻ, gọn nhẹ, dễ lắp đặt phù hợp với nhiều địa hình, với nhiều điều kiện về nguồn nước ở khu vực miền núi (mạch nước núi, nước suối, nước có dòng chảy yếu..), khi cần công suất lớn có thể ghép nhiều bơm lại với nhau. Bơm có thể hoạt động suốt ngày đêm, đưa nước lên cao đến độ cao hàng trăm mét từ đó đưa nước đến vị trí theo yêu cầu. Nhờ tính ứng dụng cao mà công nghệ bơm HDBT đã được đạt giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam Vifotech năm 2017.

           Bơm HDBT hoạt động dựa trên nguyên lý tích áp. Nhờ vận tốc của dòng nước, làm cho bơm hoạt động tạo ra một áp lực trong bơm. Do có thiết kế đặc biệt, áp suất được gom lại đến một áp lực lớn, khi áp lực lớn thì bơm hoạt động càng mạnh, khi bơm hoạt động mạnh thì tạo áp càng lớn, và cứ thế bơm sẽ tích một áp lực rất lớn để đẩy nước lên rất cao. Đây là một trong những tính mới và sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm bơm sử dụng sức nước so với các công nghệ hiện nay.

 

                                                Bơm Thủy năng HDBT do trường đại học Hồng Đức sản xuất

            Trong những năm gần đây do hạn hán, thiên tai, ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, làm cho các nguồn nước tự nhiên cạn kiệt, dẫn đến nhiều công trình nước tự chảy, không thể hoạt động được hoặc hoạt động không có hiệu quả gây lãng phí lớn. Thiếu nước làm cho việc sinh hoạt và canh tác của người dân gặp vô vàn khó khăn. Nhiều vùng đất trước đây canh tác có hiệu quả, thì nay đang bị bỏ hoang, nhiều cụm dân cư người dân phải bỏ nhà chuyển đến các khu vực khác. Đất bị khô hạn người dân không thể canh tác, lại quay lại khai thác rừng, dẫn đến suy thoái rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tiếp tục làm cạn kiệt nguồn nước. Mất nước, các vùng đất trước đây có thể canh tác được ngày càng suy thoái và cuối cùng là ảnh hưởng trầm trọng đến sinh kế của người dân. Đây thực sự là nỗi lo không chỉ trước mắt mà cả lâu dài của người dân vùng miền núi nói riêng mà là mối lo chung của cả nước, cũng là vấn đề mà quốc tế rất quan tâm.

             Đặc tính các diện tích đất trồng trọt tại các khu vực miền núi thường là nhỏ lẻ, manh mún, các thửa ruộng thường có độ dốc, ruộng bậc thang. Việc đầu tư các công trình thủy lợi thường tốn kém và không phải khi nào cũng có thể xây dựng được (do không còn nhiều nguồn nước tự chảy, vùng tưới quá nhỏ để đầu tư một công trình hồ đập với chi phí lớn). Trong khi đó, các nguồn nước như sông, suối các mó nước (do các mạch nước từ trong núi chảy ra, nằm dưới chân núi) thường nằm phía dưới và cách xa các diện tích trồng vẫn có nước. Do chênh lệch về độ cao và xa so với ruộng nương canh tác, khiến người dân không thể dùng phương pháp thủ công để lấy nước tưới. Hơn nữa, sử dụng các loại máy bơm thông thường là điều không khả thi với người dân miền núi do chi phí máy bơm, điện xăng, dầu cao. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay đối với huyện núi là phải nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập, góp phần phần xoá đói giảm nghèo cho người dân.

               Bơm HDBT có phổ sử dụng rất rộng đối với nhiều địa hình của các vùng miền núi chỉ cần có dòng chảy là có thể đưa được nước lên cao, giải quyết nước sinh hoạt, nước tưới với chi phí thấp từ 15 đến 40 triệu đồng/ha. Mặc dù mới nghiệm thu công trình nghiên cứu vào tháng 5 năm 2017,  nhưng do kết quả nghiên cứu khi đưa vào thực tế được đánh giá cao nên ngoài dự án KHCN được triển khai trên địa bàn huyện Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa. Đến cuối năm 2017 nhóm nghiên cứu đã lắp đặt thêm 02 trạm bơm bằng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình  mục tiêu Quốc gia 135 tại tỉnh Thanh Hóa: Công trình tại huyện Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ người dân Thôn Ba Nhà, xã Vân Am và công trình cấp nước sinh hoạt,  tưới lúa cho người dân Thôn Dín, xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân. 

            Trạm bơm HDBT xã Xuân Thắng đưa nước cao tới 90m,                                  Trạm bơm HDBT xã Vân Am đưa nước cao tới                              xa 3500m tưới lúa và cấp nước sinh hoạt cho thôn Dín.                                     35m, cấp nước sinh hoạt cho thôn Ba Nhà.

Việt Nam có 10 tỉnh vùng cao, 9 tỉnh miền núi và 23 tỉnh có miền núi. Đất đai có diện tích thuộc miền núi khoảng 23 triệu ha, chiếm 3/4 diện tích đất đai trong cả nước, với khoảng 25 triệu người sinh sống. Đối với các khu vực miền núi của nước ta có rất nhiều suối và khe suối lớn nhỏ, với mật độ phân bố rất dày và đều từ 0,6 -1,06km/km2, được đánh giá có nguồn thủy năng phong phú, cần phải được tận dụng để tạo ra nguồn nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân. Việc ứng dụng các loại bơm thủy năng HDBT vận hành hoàn toàn bằng sức nước là một trong những giải pháp khoa học công nghệ có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy và xã hội hóa công tác thủy lợi vùng cao. 

                                                                                    Lê Bá Tuấn – Trường đại học Hồng Đức


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing