Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
NCS Lê Văn Cường đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Cập nhật lúc: 02:43 PM ngày 24/01/2018

 Ngày 22/01/2018, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã diễn ra Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Lê Văn Cường, sinh năm 1984, Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Trường Đại học Hồng Đức.

NCS Lê Văn Cường và người hướng dẫn PGS. TS Ngô Thị Thuận 

Tên đề tài luận án: “Quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”

Chuyên ngành:               Kinh tế phát triển                    Mã số: 9 31 01 05                  

Người hướng dẫn:          PGS.TS. Ngô Thị Thuận

Cơ sở đào tạo:               Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên:  PGS. TS. Phạm Văn Hùng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Chủ tịch Hội đồng); PGS. TS. Lê Hữu Ảnh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Phản biện 1); PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn - Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Phản biện 2); PGS.TS. Đỗ Thị Bắc - Trường Đại học Kinh tế và QTKD, Đại học Thái Nguyên (Phản biện 3); GS. TSKH. Lê Du Phong - Hội Cựu giáo chức Việt Nam (Ủy viên); TS. Ngô Chí Thành - Trường Đại học Hồng Đức (Uỷ viên); TS. Nguyễn Thị Dương Nga - Học viện Nông nghiệp Việt Nam - (Uỷ viên Thư ký).

 

Hội đồng chấm luận án tiến sĩ chụp cùng NCS Lê Văn Cường

 

Đánh giá của Hội đồng về luận án: Luận án đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu về nội dung và hình thức của một luận án tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển, 7/7 thành viên Hội đồng đồng ý đề nghị cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển cho Nghiên cứu sinh Lê Văn Cường.

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:

1. Về lý luận: Đã làm rõ hơn lý luận về quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV như: Thuốc BVTV là hàng hóa kinh doanh và sử dụng có điều kiện theo hướng giảm thiểu tối đa tần suất và mức độ sử dụng; cung và cầu thuốc BVTV luôn có mối quan hệ chặt chẽ nhưng khác với các hàng hóa dịch vụ thông thường ở chỗ có cung thì có cầu; quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV cần dựa vào các quy định pháp luật, song cần có sự phối hợp chặt chẽ không chỉ các cơ quan nhà nước mà còn có sư tham gia quản lý của các tổ chức cộng đồng.

2. Về thực tiễn: Đã gắn kết giữa quản lý kinh doanh và quản lý sử dụng thuốc BVTV; Tổng kết được 4 bài học kinh nghiệm thực tiễn về quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV; định lượng mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV; đề xuất các giải pháp có tính khả thi và cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý cấp tỉnh tham khảo để hoạch định chính sách quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV.

3. Về phương pháp: Đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu mới, hiện đại như phân tích nhân tố khám phá để đánh giá mức độ tuân thủ các qui định pháp luật trong kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, kiểm định ý nghĩa thống kê để lựa chọn biến cho phân tích hồi quy các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến kết quả quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV mà các nghiên cứu trước đây chưa đề cập. 

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu của luận án:

1. Đặc thù của hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV là hoạt động kinh doanh và sử dụng sản phẩm có điều kiện, gắn với quyền lợi và nghĩa vụ. Vì vậy, quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn có tính lâu dài thích ứng với từng giai đoạn phát triển sản xuất nông nghiệp.

2. Các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến kết quả quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gồm có: (i). Nội dung và cách thức thực hiện các văn bản pháp luật; (ii). Năng lực cán bộ quản lý; (iii). Sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của người kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV; (iv). Kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; (v). Sự phối hợp giữa các đơn vị tham gia quản lý. Trong đó, yếu tố sự phối hợp của các đơn vị tham gia quản lý có ảnh hưởng cao nhất.

3. Để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ 7 giải pháp, gồm: (i). Xây dựng và ban hành các quy định cụ thể để thực hiện các văn bản pháp luật; (ii). Tăng cường bộ máy quản lý; (iii). Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và huy động nguồn kinh phí; (iv). Tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã và sự phối hợp giữa các đơn vị; (v) Tăng cường truyên truyền, tập huấn. (vi). Siết chặt quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV; (vii). Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hộ nông dân trong sử dụng thuốc BVTV./.

 

Tân Tiến sĩ Lê Văn Cường chụp cùng bạn bè, đồng nghiệp đến dự và chúc mừng

 

 


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing