Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG – NGÀNH HỌC NHIỀU CƠ HỘI LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP
Cập nhật lúc: 10:38 PM ngày 22/08/2016
Hiện nay có rất nhiều ngành học được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên. Sinh viên có thể học trong nước, đi du học, trường công lập, dân lập,… Đây cũng là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, xu hướng xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên cùng với những xu thế này cũng nảy sinh nhiều vấn đề đó là tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm những công việc trái ngành nghề, kĩ năng thực hành kể cả kĩ năng mềm còn yếu, cơ hội thực tập của nhiều ngành ngay trong quá trình học chưa nhiều, cơ hội tham gia hội thảo, giao lưu chuyên ngành chưa cao,.. Do vậy sinh viên cần lựa chọn những ngành học thực tế, phù hợp với xu hướng tương lai và có nhiều cơ hội không chỉ việc làm mà còn mở ra nhiều cơ hội khác trong quá trình học tập của mình.

 Xu hướng chung của thế giới là sản xuất, tiêu dùng xanh, sạch nên Việt Nam và nhiều nước đều theo tuân theo nhiều tiêu chuẩn môi trường. Mặt khác ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chính vì thế, nhóm ngành môi trường là lĩnh vực nhiều người quan tâm, nhu cầu nhân lực làm việc trong ngành này cũng sẽ ngày càng tăng, mặt bằng lương của ngành này thuộc dạng cao (theo năng lực) cùng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn và cơ hội tu nghiệp nước ngoài nhiều.

Vậy chúng ta cùng xem tại sao ngành học này lại có nhiều cơ hội lựa chọn cho sinh viên và là ngành học của tương lai?
1. Nhiều cơ hội tham gia hội thảo chuyên môn, lớp tập huấn
Ngày nay khi mà hệ thống môi trường đang ngày được quan tâm hơn bao giờ hết; các vấn đề ô nhiễm, sự cố môi trường tại nhiều nơi đang gây bức xúc trong dư luận đồng thời thế giới cũng như Việt Nam đang tìm kiếm các giải pháp, công nghệ sạch để giải quyết bài toán môi trường,… Do vậy việc tổ chức các hội thảo quốc tế cũng như trong nước được định kỳ, thường niên tổ chức như các hội thảo về biến đổi khí hậu, về các giải pháp ứng phó sự cố môi trường, các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, công nghệ xanh,… Cùng với đó là các lớp tập huấn do các Bộ, Ngành và các đơn vị, cơ quan chuyên môn khác mở ra nhằm nâng cao năng lực, nhận thức cho đội ngũ cán bộ, người hoạt động trong lĩnh vực môi trường và đặc biệt là cho các bạn trẻ (sinh viên) có cơ hội nâng cao kĩ năng, kiến thức bằng sự năng động của mình.
Với Thanh Hóa là tỉnh vừa có rừng, có biển đồng thời là tỉnh lớn cả về diện tích và dân số, có nhiều khu công nghiệp,… vì vậy sẽ có nhiều vấn đề môi trường nảy sinh. Do đó sẽ có nhiều hội thảo, lớp tập huấn được tổ chức tại đây về các chủ đề môi trường của Thanh Hóa hay của Việt Nam. Các hoạt động này có thể do Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Các Viện nghiên cứu trực thuộc các Bộ, Ngành, Các tổ chức phi chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, Sở Công thương,… tổ chức. Sinh viên có thể đăng ký tham gia các hoạt động này thông qua Website. Ngoài ra sinh viên cũng có thể tham gia các hội thảo, lớp tập huấn khi có thông tin tại Hà Nội, các tỉnh thành khác trong cả nước. Đây quả thực là cơ hội lớn cho sinh viên.
2. Cơ hội tình nguyện nhiều
Cùng với các hoạt động tình nguyện khác như: hiến máu tình nguyện, tiếp sức mùa thi, tham gia tình nguyện tại các vùng miền núi hay kêu gọi giúp đỡ người khó khăn, bệnh tật,… thì hoạt động tình nguyện trong môi trường nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và góp sức vào công tác bảo vệ môi trường đang ngày càng được quan tâm, tham gia nhiều của các bạn trẻ (đặc biệt là sinh viên).
Ngoài những lợi ích của hoạt động tình nguyện mang lại thì sinh viên trong ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường còn được nâng cao kĩ năng chuyên môn, có va chạm và cọ sát với thực tế, có khả năng phân tích vấn đề,… và đặc biệt có nhiều cơ hội tiếp xúc với những chuyên gian, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường. Đây cũng là cơ hội tốt để sinh viên có thể liên lạc thực tập hoặc xin việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.
Có rất nhiều hoạt động môi trường ở Thanh Hóa do các tổ chức, đơn vị của Tỉnh thực hiện mà sinh viên học ngành này có thể tham gia như: hoạt động bảo vệ môi trường biển (tuyên truyền cho người dân, khách du lịch không xả rác xuống biển), hoạt động kỉ niệm ngày bảo vệ môi trường 5/6 (đạp xe, đi bộ hay trồng cây,… vì môi trường), các hoạt động kỉ niệm ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5, Giờ Trái đất, các hoạt động trồng và bảo vệ rừng, Làm cho thế giới sạch hơn,… Thông qua những hoạt động này sinh viên sẽ có khả năng áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn đồng thời qua các hoạt động này cũng bổ trợ, nâng cao kiến thức, kĩ năng cho sinh viên môi trường
3. Nhiều lựa chọn thực tập
Với các kĩ năng, kiến thức được trang bị sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường sẽ có rất nhiều cơ hội thực tập tốt nghiệp hoặc thực tập chuyên ngành trong quá trình học.
Ngày nay khi mà vấn đề bảo vệ môi trường đang trở thành yêu cầu bắt buộc của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp,… thì đây sẽ là cơ hội cho các sinh viên có thể đăng ký tham gia thực tập tại các cơ sở này.
Tại Thanh Hóa có nhiều các khu công nghiệp (KCN), cơ sở sản xuất như: KCN Bỉm Sơn, KCN Nghi Sơn, KCN Hoàng Long, KCN Lam Sơn,… với đa dạng các ngành nghề sản xuất phù hợp với các kiến thức thực tập mà sinh viên môi trường được trang bị. Đồng thời Thanh Hóa cũng có nhiều các cơ quan chuyên môn về môi trường như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Các Phòng Tài nguyên và Môi trường của các Sở Ngành, các Huyện, Thành phố, các Trung tâm,… và có nhiều các đơn vị về tư vấn và xử lý môi trường.
- Với các cơ sở sản xuất: Sinh viên có thể thực tập về các chủ đề môi trường như: sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất;công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; công nghệ xử lý và vận hành hệ thống xử lý nước thải; các công tác an toàn, giám sát, vận hành hệ thống, quản lý theo ISO,…
- Với các cơ quan chuyên môn về môi trường: Sinh viên có thể thực tập về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường: về luật pháp, chính sách, thanh tra, về tổ chức bộ máy,…
- Với các đơn vị về tư vấn và xử lý môi trường: Sinh viên có thể thực tập và làm quen với các thủ tục xin cấp phép về môi trường như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, các Cam kết BVMT, Hồ sơ xin cấp phép khai thác sử dụng nước ngầm, nước mặt, Báo cáo môi trường định kỳ, Các báo cáo về chất thải, Thiết kế các bản vẽ về xử lý nước thải, nước cấp, Hồ sơ đề xuất, yêu cầu về xử lý môi trường,…
3. Nhiều cơ hội và thuận lợi du học nước ngoài
Trên thế giới hiện nay rất nhiều trường ở các nước đều có chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về môi trường trên các lĩnh vực ở bậc đại học và sau đại học. Việt Nam cũng có nhiều trường đại học liên kết với các trường đại học uy tín trên thế giới để đưa sinh viên sang du học, thực tập sinh, trao đổi sinh viên. Việc học tập tại các trường uy tín trên thế giới trong lĩnh vực môi trường sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho sinh viên trong việc lựa chọn  nghề nghiệp sau này.
Bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh, công nghệ sạch,… đang là xu thế của thế giới. Vì vậy các trường đại học quốc tế có rất nhiều chương trình học bổng và các ưu đãi trong lĩnh vực này. Học bổng từ toàn phần đến một phần tùy trường đại học và tùy vào gói học bổng. Nếu sinh viên lo lắng về trình độ tiếng anh của mình hoặc không nắm được các thông tin thì đừng quá bi quan vì trong quá trình học đại học, sinh viên sẽ được ngoài trang bị các kiến thức chuyên ngành thì môn tiếng anh là bắt buộc với những tiết học từ cơ bản đến nâng cao và chuyên ngành, song song với đó sinh viên có thể chủ động đăng ký học các khóa học tiếng anh ngay trong trường đại học. Như vậy cơ hội du học sẽ được mở ra và sinh viên sẽ có rất nhiều lựa chọn.
Đối với các ngành du học ở nước ngoài, sinh viên sẽ học và nghiên cứu chuyên sâu về các ngành tự chọn như: Air Pollution and Air Quality Management (Quản lý chất lượng và sự ô nhiễm khí), Solid Waste Management (Quản lý chất thải rắn), Environmental Impact Assessment (Đánh giá tác động môi trường), Membrane Technology in Water and Wastewater Treatment (Công nghệ màng trong xử lý nước và nước thải), Applied Microbiology and Laboratory (Vi sinh ứng dụng và phòng thí nghiệm), Physico-Chemical Proecesses (Quá trình hóa lý), Toxic Organics and Trace Metals in Ecosystem (Độc chất hữu cơ và kim loại vi lượng trong hệ sinh thái),…
4. Nhiều lựa chọn cho nghề nghiệp
Tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, sinh viên có thể đảm nhiệm các công việc thiết kế, giám sát - thi công các công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; và phụ trách công tác quản lý môi trường tại: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, các Viện và Trung tâm Nghiên cứu Phòng Tài nguyên và Môi trường của các thành phố, quận, huyện,... vị trí cụ thể như:
- Chuyên viên môi trường ở các cơ sở sản xuất, nhà máy xử lý chất thải, công ty cấp nước, nhà máy xử lý nước, khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, công ty, tổ chức về môi trường; Bộ, Sở, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các trung tâm phân tích, quan trắc môi trường
- Cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường.
- Tư vấn viên, giám sát viên của các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến môi trường.
- Chuyên viên an toàn môi trường lao động và sức khỏe trong các công ty đa quốc gia,…
Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang trong quá trình phát triển mạnh về kinh tế, có rất nhiều các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất được mở ra đồng thời các phòng ban chuyên môn về  môi trường của các quận, huyện, phường, xã,… và các đơn vị tư vấn môi trường đang rất thiếu cán bộ về môi trường. Trước những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn đó, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường khá dễ dàng trong việc lựa chọn việc làm tại các cơ sở, đơn vị này thông qua các ngày hội tuyển dụng việc làm của trường Đại học Hồng Đức, của Sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh Thanh Hóa, qua thông tin tuyển dụng trên các Website, thông báo tuyển dụng, qua gợi ý thông tin của các thầy cô giảng viên, bạn bè,…
Có thể nói với ngành học Công nghệ Kỹ thuật Môi trường thì tại tất cả các công ty, nhà máy sản xuất chuyên nghiệp hầu như đều cần sinh viên tốt nghiệp ngành này để thực hiện công tác quản lý, sáng chế, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, công nghệ, quy trình phục vụ con người theo hướng xanh, sạch, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Từ một số phân tích ở trên có thể nhận thấy ngành học Công nghệ Kỹ thuật Môi trường đang có rất nhiều lựa chọn và là định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Ngành học Công nghệ Kỹ thuật Môi trường sẽ giúp sinh viên trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kĩ năng thực tế để có thể giải quyết các bài toán môi trường của Việt Nam và có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Chúng ta cũng cần nhớ rằng xu hướng phát triển của tương lai là phát triển bền vững (PTBV) mà một trong ba trụ cột của PTBV là Môi trường (Bên cạnh hai trụ cột là Kinh tế và Xã hội). Lựa chọn ngành học Công nghệ Kỹ thuật Môi trường sẽ mở ra nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai!

                                                                                                Tin bài: ThS. Lê Sỹ Chính


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing