Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
TỔ CHỨC NGÀY HỘI TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH
Cập nhật lúc: 04:18 PM ngày 19/05/2020

 

 

        1. Xác định mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp cho HS

Mục đích

+ Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác tư vấn hướng nghiệp và giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) trong chương trình giáo dục phổ thông;

 + Trang bị kiến thức về hướng nghiệp cho HS trong việc khám phá sở thích, khả năng nghề nghiệp của bản thân; giúp HS biết liên hệ với thông tin về thị trường tuyển dụng lao động, thông tin về ngành nghề, thông tin về các cơ sở đào tạo ở các trình độ đào tạo đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) để xác định hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT; giúp HS hiểu biết về thế giới nghề nghiệp và định hướng chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai; 

+ Bồi dưỡng kỹ năng tổ chức hướng nghiệp cho GV, cán bộ làm công tác TVHN, giúp nhà trường thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng HS sau trung học vào ĐH, CĐ, TC và tham gia vào thị trường lao động; đối với các cơ sở đào tạo thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động;

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà tuyển dụng có dịp để giới thiệu, tư vấn tuyển sinh, tư vấn chọn ngành nghề cho HS trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp; tạo điều kiện cho các em HS được tìm hiểu, trải nghiệm về nghề nghiệp trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp hoặc tại cơ sở đào tạo. Đồng thời, giúp HS có cơ hội được tiếp cận với các cá nhân là những cựu HS, SV thành đạt, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, từ đó hình thành nhận thức, hành vi và theo đuổi những đam mê, tin tưởng với những dự định bản thân trong tương lai.

 Ý nghĩa

+ Ngày hội tư vấn hướng nghiệp được xem là cơ hội để HS tiếp xúc trực tiếp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, giúp HS có những hiểu biết về hướng nghiệp, chuẩn bị cần thiết về nghề nghiệp trước khi tham gia thị trường lao động;

+ HS được tiếp nhận và trao đổi thông tin cần thiết, bổ ích về cơ hội nghề nghiệp, quy trình, điều kiện tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp; hỗ trợ HS rèn luyện kỹ năng sống, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội góp phần hoàn thiện nhân cách HS;

 + Là diễn đàn để HS có cơ hội bày tỏ quan điểm, nhận thức, tình cảm của mình về hướng nghiệp cũng như các vấn đề tuyển sinh, việc làm khác mà các em quan tâm; giúp HS xem đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm xác định rõ mục tiêu, định hướng được cơ hội việc làm trong tương lai; giúp các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, xã hội, gia đình thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác hướng nghiệp;

+ Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và lựa chọn con đường nghề nghiệp của HS sau này. Thúc đẩy tinh thần hướng nghiệp của HS và trang bị các kiến thức, hiểu biết về thế giới nghề nghiệp cho HS trung học;

+ Giúp nhà trường tiếp nhận thông tin phản hồi từ phía HS và đặc biệt là từ phía các đơn vị sử dụng lao động nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động, ngành nghề, việc làm;

+ Tạo cơ hội để nhà trường phối hợp với hội cha mẹ HS và các doanh nghiệp, nâng cao kiến thức về tư vấn hướng nghiệp cho HS.

Yêu cầu cần đạt

+ Thông qua ngày hội Tư vấn hướng nghiệp HS có khả năng tự tư vấn hướng nghiệp cho bản thân, hiểu được“người chọn nghề” và “nghề cũng chọn người” như thế nào? HS sẽ có được những trải nghiệm, bài học bổ ích, phát hiện thú vị về bản thân, nhận ra được sở trường phù hợp với trình độ, năng lực, hoàn cảnh để có chí hướng trong hành trang vào đời, trở thành những công dân có ích;

+ Sau ngày hội Tư vấn hướng nghiệp HS sẽ mạnh dạn trong việc tiếp cận, trao đổi, thông tin hai chiều với các chuyên gia tư vấn; biết cách trả lời phỏng vấn, nắm bắt được những yêu cầu của nhà tuyển dụng đề ra; nhận biết được khả năng của mình để tập trung học tập, theo đuổi ước mơ nghề nghiệp chọn cho mình ngành học phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT;

+ Qua buổi Tư vấn hướng nghiệp, HS học được cách lựa chọn, xác định nghề nghiệp cho bản thân; nắm bắt được các thông tin hữu ích về nhu cầu của thị trường lao động; xu hướng phát triển ngành nghề trong bối cảnh hiện nay; nắm được những kỹ năng về cách học, giải tỏa tâm lý trước khi đưa ra quyết định quan trọng trong việc lựa chọn nghề; chủ động trong việc chọn ngành nghề sau tốt nghiệp;

Như vậy, yêu cầu cần đạt là giúp học sinh hiểu biết về tư vấn hướng nghiệp và định hướng lựa chọn nghề phù hợp với bản thân theo sở thích, sở trường, năng lực và nhu cầu xã hội trong tương lai.

2. Xây dựng nội dung, chương trình ngày hội Tư vấn hướng nghiệp

* PHƯƠNG ÁN 1: Ngày hội tổ chức quy mô lớn, thời gian 01 ngày, có nhiều nội dung chương trình đồng thời diễn ra.

Nội dung: tư vấn theo chủ đề…Các Talk show tọa đàm, hội thảo theo một số nội dung như “Chọn đúng ngành - Thành công sớm”, “tọa đàm cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học..”; giao lưu, tọa đàm “chọn ngành nghề/việc làm”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tự định hướng nghề cho bản thân”; doanh nghiệp giới thiệu ngành nghề, cơ hội việc làm; giới thiệu tuyển sinh, du học, xuất khẩu lao động, làm việc tại doanh nghiệp sau khi ra trường…

Thành viên tham gia: Đại diện các bộ, sở, phòng ban ngành, chính quyền, GV, HS, phụ huynh, chuyên gia, cơ sở đào tạo, đại diện doanh nghiệp, đại diện cơ sở đào tạo nghề.

Phương pháp tổ chức: gồm một chuỗi sự kiện với nhiều hoạt động như: tọa đàm, hội thảo, triển lãm gian hàng hay chuyên gia thuyết trình.

Hình thức tư vấn: tư vấn tập thể, tư vấn nhóm lớn/nhóm nhỏ, tư vấn cá nhân. Học sinh, phụ huynh sẽ được các chuyên gia tư vấn giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến chính sách, chủ trương, quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo về tuyển sinh, tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành nghề, đưa ra các lời khuyên bổ ích và giải đáp về ngành học, nghề nghiệp, du học, khối thi/khối tổ hợp môn thi/bài thi, phương thức tuyển sinh, chính sách học, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp THPT. HS có thể tham gia các trò chơi tìm hiểu khám phá bản thân và xây dựng ước mơ tương lai.

+ Cơ sở đào tạo giới thiệu và cung cấp thông tin về nhà trường, các ngành đào tạo, thông tin tuyển sinh, hỗ trợ chính sách thu hút HS như: chỗ ở tại ký túc xá, học bổng, trao đổi kinh nghiệm học tập của các chương trình đào tạo của nhà trường sau khi học sinh đăng ký tuyển sinh vào đại học.

a. Tư vấn hướng nghiệp

            - Tư vấn chung: Khách mời đại diện là chuyên gia về hướng nghiệp, tâm lí, diễn giả…

+ Tìm hiểu tính cách của bạn (Trắc nghiệm tâm lí, tính cách của học sinh);

+ Chọn nghề hợp với tính cách của bạn (theo lí thuyết mật mã của Holland); trắc nghiệm hướng nghiệp, hướng nghề trong tương lai của học sinh trung học;

+ Các ngành nghề dự báo quốc gia và Thanh Hóa có nhu cầu phát triển đến năm 2025;

+ Thông tin về thị trường lao động; thông tin về các nhóm ngành nào sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao và đang được chú trọng trong giai đoạn hiện tại; thông tin về xu hướng ngành nghề trong giai đoạn hội nhập quốc tế;

+ Tìm hiểu thế giới ngành nghề đào tạo, vị trí việc làm, chính sách đào tạo tại 63 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

+ Tìm hiểu nghề phổ thông và hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp;

+ Tham vấn nhóm lớn cho HS trung học trong việc xây dựng mục tiêu nghề nghiệp;

- Lưu ý: sau phần trình bày của các chuyên gia, phần trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh, phụ huynh rất quan trọng.

- Chuẩn bị:

+ Đối với nhà trường, đơn vị tổ chức: chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức, xây dựng kịch bản, thông báo, giấy mời, phân công người theo từng nhiệm vụ cụ thể, kiểm tra các phương án, các khâu chuẩn bị trước khi tiến hành; chủ động liên hệ với các cấp có thẩm quyền, doanh nghiệp, chuyên gia mời tham dự;

+ Đối với chuyên gia tư vấn hướng nghiệp: chủ động tìm hiểu về đối tượng HS nhà trường đơn vị tổ chức qua nhiều kênh thông tin (gặp trực tiếp, gửi câu hỏi trắc nghiệm, email thông tin nội dung cần chuẩn bị đến đơn vị);

+ Chuyên gia chuẩn bị nội dung trình bày slide bài thuyết trình; phối hợp với nhà trường gửi thông tin, chủ đề trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp trước đến với HS, nhất là học sinh khối lớp 12 để HS có những câu hỏi gửi lại nhà trường tập hợp, sau đó chuyên gia sẽ nghiên cứu câu hỏi, hình dung cho ngày tư vấn sắp diễn ra để có sự chuẩn bị chu đáo.

b. Tư vấn tuyển sinh

- Tư vấn chung: khách mời đại diện là lãnh đạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, chuyên gia phụ trách tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT, Sở GDĐT …

+ Cung cấp những thông tin cần biết về kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia, những điểm mới trong năm học hiện tại tuyển sinh;

+ Cập nhật thông tin, báo cáo một số kết quả tuyển sinh;

+ Thông tin về nhu cầu đào tạo, ngành nghề, nhu cầu nguồn nhân lực của quốc gia và Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay;

+ Tư vấn chung về tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm tuyển sinh;

+ Trả lời những câu hỏi, giải đáp thắc mắc của HS, phụ huynh về kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia và tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh trong năm tuyển sinh;

+ Hoạt động tại các gian hàng của các cơ sở đào tạo nghề: Các đơn vị tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh đảm trách hoạt động các gian hàng của cơ sở mình bao gồm các hoạt động như: giới thiệu về cơ sở đào tạo; giới thiệu về ngành nghề; trình diễn kỹ năng nghề nghiệp; xem các video clip mô phỏng về nghề nghiệp; tư vấn tuyển sinh, phát tài liệu, tờ rơi quảng cáo; tặng quà lưu niệm (nếu có)…vv.

- Chuẩn bị: Chuyên gia về tuyển sinh cũng phải chuẩn bị nội dung trình bày slide bài thuyết trình; phối hợp với nhà trường gửi trước thông tin chủ đề trong ngày hội Tư vấn hướng nghiệp đến HS nhất là HS khối lớp 12 để các em có những câu hỏi về thông tin tuyển sinh gửi lại nhà trường tập hợp, sau đó chuyên gia sẽ nghiên cứu câu hỏi để trả lời giải đáp thắc mắc của HS và phụ huynh.

            c. Tư vấn của doanh nghiệp

- Tư vấn chung: Khách mời đại diện là lãnh đạo của các doanh nghiệp, chuyên gia về tư vấn doanh nghiệp.

- Nội dung cần có:

+ Cung cấp bức tranh về việc làm, xu hướng nghề nghiệp;

+ Giới thiệu về doanh nghiệp và công việc của doanh nghiệp cho HS;

+ Hướng dẫn HS về các kỹ năng tham gia ứng tuyển, kỹ năng tìm việc sau khi tốt nghiệp THPT;

+  Chia sẻ những thông tin cơ bản về môi trường làm việc, các chế độ đãi ngộ, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp;

+ Khảo sát nhu cầu nghề nghiệp theo các chuyên ngành học, mời các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng vị trí liên quan đến ngành học;

+ Thông tin giới thiệu về việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, chương trình học bổng, du học, xuất khẩu lao động tại các nước Nhật Bản và Hàn Quốc...

+ Giới thiệu cơ hội để học sinh sau khi tốt nghiệp có nhu cầu du học hoặc tham gia vào thị trường lao động tại doanh nghiệp;

+ Tạo điều kiện giúp HS được các tư vấn viên đóng vai các nhà tuyển dụng, đưa ra những câu hỏi trong vòng phỏng vấn;

+ Đại diện doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trao đổi, giải đáp các thắc mắc của HS, SV;

+ Ngày hội còn được tổ chức trưng bày các gian hàng, giới thiệu gian hàng, tổ chức trò chơi, chương trình sân khấu hóa chọn nghề theo sở thích;

+ Biểu diễn văn nghệ, kỹ năng nghề nghiệp (nếu có);

+ Tôn vinh cựu học sinh, sinh viên tiêu biểu, thành đạt; chia sẻ thành công của những cựu HS, SV tiêu biểu (nếu có);

+ Hoạt động trải nghiệm tại các doanh nghiệp (nếu có): Tùy theo điều kiện, địa phương có thể tổ chức, lựa chọn một số cơ sở doanh nghiệp để có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp cho HS các trường phổ thông tại cơ sở doanh nghiệp (thăm quan, tìm hiểu, thực hành…).

* PHƯƠNG ÁN 2: Nếu có nhà trường tổ chức một buổi thì chương trình có thể chọn nội dung để tư vấn hướng nghiệp theo chương trình.

a. Chương trình

- Thời gian chương trình: Tùy theo thời lượng chương trình để lên kịch bản cho việc tổ chức ngày hội có thể là một buổi hay một ngày:

- Ví dụ: thời gian tổ chức là một buổi (buổi sáng)

+ 07h30 đến 7h 45: Đón khách mời

+ 7h45 -8h15: Văn nghệ

+ 8h15 -8h35: Lễ khai mạc

+ 8h35 – 9h55: Chương trình Tư vấn hướng nghiệp

+ 9h55 – 11h30: Trao đổi, thảo luận, giải đáp các câu hỏi của HS

+ 11h30 -11h45: Tham quan gian hàng, cơ sở vật chất, phòng ban (nếu có)

b. Chương trình minh họa

CHƯƠNG TRÌNH

Tọa đàm cung cấp thông tin thị trường lao động và tư vấn

 hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học 2020

(.... ngày    tháng     năm 2020), ví dụ minh họa

 

TT

Thời gian

Nội dung

Đơn vị thực hiện

1.

7:30 - 8:00

Đón tiếp khách mời, đại biểu, khách quý

Sở GD&ĐT A và Trường ĐH B…

2.

8:00 - 8:15

Văn nghệ chào mừng

Trường THPT (địa điểm trường tổ chức)

3.

8:15 - 8:25

Tuyên bố lý do - giới thiệu đại biểu

Trường THPT (địa điểm trường tổ chức

4.

8:25 -  8:35

Phát biểu khai mạc

Lãnh đạo sở GD&ĐT

5.

8:35 – 8:50

Chuyên đề 1:  Xu hướng việc làm, ngành nghề và thông tin, dự báo thị trường lao động

Chuyên gia:  Ông Nguyễn Văn A (Chuyên gia của Bộ, Sở LĐTB&XH)

6.

8:50 - 9:15

Chuyên đề 2: Công tác tuyển sinh vào ĐH,CĐ năm 2020

 Chuyên gia: Nguyễn Văn B (Chuyên gia, Bộ, Sở GD&ĐT)

7.

9:15 - 9:35

Chuyên đề 3: Thông tin về ngành nghề đào tạo, chính sách đào tạo tại 63 cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Chuyên gia:  Nguyễn Văn C (Chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực giáo dục)

 

9:35 – 9:55

Chuyên đề 4: Kinh nghiệm tìm kiếm việc làm cho học sinh và giới thiệu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Chuyên gia về việc làm

8.

9:55 -11:15

Trao đổi, thảo luận, giải đáp các câu hỏi của HS

Các chuyên gia và chủ trì tọa đàm

9.

11:15 - 11:30

Tổng kết, bế mạc

 

Lãnh đạo Sở hoặc Trường đơn vị tổ chức

 

- Lưu ý:  Đối với phần trao đổi thảo luận, giải đáp các câu hỏi của HS, Ban tổ chức cần chuẩn bị các khâu trong đó quan trọng là có MC để dẫn dắt nội dung chương trình, xây dựng kịch bản, chọn một số nội dung câu hỏi gửi trước cho chuyên gia nghiên cứu trước; khi mời chuyên gia lên sân khấu giao lưu (chuẩn bị ghế, bàn tròn mời chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo sở); phối hợp với chuyên gia để nêu câu hỏi gợi mở từ phía HS, chủ động dẫn dắt, đặt câu hỏi trực tiếp xoay quanh nội dung hướng nghiệp, tuyển sinh để các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo sở trả lời câu hỏi theo lĩnh vực phụ trách. MC có thể mời đại diện khác như cựu HS thành đạt bổ sung thêm những giải đáp thắc mắc, tạo bầu không khí của ngày hội Tư vấn hướng nghiệp, với mục đích để các em được chủ động tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức.

III. Thành phần tham gia

- Khách mời:

+ Lãnh đạo UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương (nếu có);

+ Lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo (chủ trì); Đoàn Thanh niên CSHCM tỉnh và các sở, ban ngành có liên quan;

+ Các tổ chức, cá nhân liên quan (doanh nghiệp, nhà tài trợ…);

+ Các cơ sở đào tạo là các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn hoặc địa bàn lân cận (nếu có);

+ Các đơn vị tham gia tư vấn và tuyển dụng bao gồm các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn và vùng lân cận (nếu có);

+ Các cơ quan thông tấn, báo chí và các tổ chức cá nhân có liên quan (nếu có);

+ Phụ huynh học sinh cuối lớp 12 chuẩn bị tốt nghiệp THPT;

+ Các cựu học sinh, sinh viên thành đạt của nhà trường mời về tham dự (nếu có).

- Phía nhà trường (đơn vị tổ chức)

+ Toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường;

+ Học sinh toàn trường THPT (tùy địa điểm rộng và quy mô tổ chức);

+ Ưu tiên học sinh cuối lớp 12 chuẩn bị tốt nghiệp THPT;

+ Ưu tiên các thầy cô giáo chủ nhiệm khối 12.

IV. Địa điểm và thời gian tổ chức

1. Thời gian: Nên tổ chức trong 1 buổi hoặc 1 ngày (trường hợp tổ chức trong một ngày; nếu nhà trường có điều kiện về kinh phí hoặc được doanh nghiệp tài trợ có thể tổ chức việc ăn trưa buffet nhẹ khách mời và học sinh).

2. Địa điểm: Nhà trường THPT có khuôn viên đáp ứng được điều kiện nêu trên thì nên tổ chức tại nhà trường hoặc có thể tổ chức địa điểm gần trung tâm, nhà văn hóa, sân vận động gần trường THPT nơi có không gian rộng, thuận tiện cho việc tập trung đông người, phương tiện xe đưa đón học sinh.

V. Phương pháp tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp

 * Bước 1: Xây dựng kế hoạch tổ chức

            Kế hoạch tổ chức cần thể hiện được các nội dung cơ bản sau:

            - Mục đích yêu cầu: Nêu rõ mục đích cơ bản và yêu cầu chính của việc tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp đó là giúp học sinh tìm hiểu, trang bị kiến thức về nghề nghiệp; tạo môi trường cho học sinh hiểu biết về thế giới nghề nghiệp, tiếp cận những kiến thức mới về hướng nghiệp, tuyển sinh, doanh nghiệp; giúp GV phát triển kiến thức, kĩ năng về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

            - Nội dung, biện pháp: Nêu nội dung chính của việc tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp được triển khai đến từng cán bộ, giáo viên, tổ bộ môn, công đoàn, đoàn thanh niên và từng lớp học sinh. Những nội dung đưa ra ngày hội tư vấn hướng nghiệp phải là những nội dung phù hợp và được học sinh viên quan tâm, liên quan đến những vấn đề mà học sinh đang cần được giải đáp thắc mắc, nhất là học sinh cuối cấp chuẩn bị cho tuyển sinh đại học.

            - Tổ chức thực hiện: Yêu cầu phân công trách nhiệm từng bộ phận để triển khai thực hiện theo tiến độ thời gian cụ thể và báo cáo thường xuyên về Ban Tổ chức (BTC), (ví dụ BTC sẽ phân công trách nhiệm của Đoàn thanh niên nhà trường làm gì? Công đoàn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 làm gì, nhân viên và các bộ phận trong trường sẽ làm gì?).

            * Bước 2: Công tác chuẩn bị

- Triển khai kế hoạch đến các cá nhân, bộ phận có liên quan.

            Hình thức triển khai chính:

+ BTC triệu tập các thành phần liên quan họp triển khai kế hoạch, phân công nhiệm vụ;

            + BTC có thể triển khai bằng văn bản gửi đến các tổ chức, cá nhân có liên quan (kết hợp có thể thông báo kế hoạch trên bảng tin nhà trường).

- Chuẩn bị về nhân sự

+ Thành lập BTC ngày hội tư vấn hướng nghiệp, gồm có Trưởng ban Tổ chức, Phó Trưởng ban và các thành viên (cần lưu ý tính đại diện) nhằm điều hành thực hiện kế hoạch tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp;

            + Thành lập các tiểu ban tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp: Trưởng Ban Tổ chức là Hiệu trưởng, phó ban các phó Hiệu trưởng, ủy viên là đại diện công đoàn, đoàn thanh niên, kế toán, bảo vệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, đại diện hội chao mẹ học sinh;

+ Các tiểu ban có nhiệm vụ giúp việc cho Ban Tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp một số phần việc cụ thể (ví dụ tiểu ban hậu cần, tiểu ban lễ tân, tiểu ban nội dung, tiểu ban khánh tiết...);

- Chuẩn bị về nội dung

            + Tiểu ban nội dung hoặc các thành viên được phân công phụ trách xây dựng nội dung phải tham mưu chuẩn bị các kịch bản chương trình, khách mời, diễn giả, chuyên gia, các phương án khả thi khác;

            + Đối với người dẫn chương trình (MC): Xây dựng kịch bản, biên soạn câu hỏi phù hợp của học sinh, phối hợp với chuyên gia để dẫn chương trình theo nội dung chủ đề phù hợp; lựa chọn MC nắm bắt vấn đề, hiểu về giáo dục, tuyển sinh, ngoại hình ưa nhìn, ngôn ngữ lưu loát.

- Chuẩn bị về điều kiện, cơ sở vật chất

            Tiểu ban hậu cần hoặc các thành viên được phân công phụ trách phải tham mưu chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho việc tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, lập dự trù kinh phí chi tiết cho toàn bộ ngày hội (kinh phí có thể từ nguồn ngân sách hoặc vận động tài trợ), lên phương án chuẩn bị đảm bảo về địa điểm, chỗ ăn nghỉ cho Ban Tổ chức, trang trí, âm thanh, ánh sáng, hoa quả, nước uống, quà tặng, địa điểm tổ chức.

VI.  Những yêu cầu trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp

1. Yêu cầu đối với chuyên gia tư vấn

Người làm công tác tư vấn hướng nghiệp cần có các kiến thức nhất định vế hướng nghiệp và phải có một số công tác chuẩn bị trước khi tư vấn toàn trường như sau:

+ Cần tìm hiểu thông tin cũng như nắm bắt trình độ học sinh của nhà trường;

+ Nắm bắt được tình hình học tập và thông tin tuyển sinh của nhà trường để có thể chủ động nhận biết được trình độ học sinh trong việc thuyết trình đặc biệt là khi giải đáp thắc mắc của học sinh, có thể chuẩn bị trước các câu trả lời;

+ Xây dựng các bước trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh:

- Bước 1: Phân tích các nhóm nghề, xu hướng ngành nghề ở góc độ diện rộng thông qua đặc điểm, tâm sinh lý, năng lực, sở trường, sức khỏe.

        - Bước 2: Phân nhóm học sinh

Khi tư vấn tuyển sinh có thể chia học sinh và phân loại được đối tượng học sinh ra các nhóm sau (tùy thuộc vào hội trường, cách thức tư vấn theo nhóm lớn hoặc tư vấn nhóm nhỏ):

+ Nhóm 1: Dành cho các học sinh (HS) có kết quả học tập cao, là những HS giỏi của các lớp, có sức khỏe có thể mạnh dạn đăng ký dự tuyển vào các ĐH tại các trường ở nhóm I như: (ĐH Bách khoa, Y, dược, ngoại thương, công an, quân đội….). Ở nhóm trường này có một số ngành tỷ lệ chọi rất cao nên học sinh cân nhắc khả năng của mình để nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường tốp đầu.

+ Nhóm 2: Dành cho các HS có học lực khá. Ở nhóm này gồm có các trường thuộc tốp 2, những trường có tỷ lệ chọi rất cao như trường đại học Kinh tế quốc dân, trường đại học Luật Hà Nội... Với những trường này, HS giỏi và HS khá có tỷ lệ đỗ sẽ cao.

+ Nhóm 3: Dành cho các HS có sức học trung bình-khá và trung bình, nhóm này các học sinh dự tuyển vào các trường ĐH có điểm xét tuyển tương đương điểm sàn hoặc trường ngoài công lập, các trường cao đẳng, cao đẳng nghề. Ở nhóm này tỷ số chọi thấp, HS rất dễ  trúng tuyển. HS có thể học nhanh chóng để có được bằng nghề và tự kiếm việc làm hoặc học xong, HS học tiếp tục bằng con đường liên thông để lên ĐH. Nhóm này rất rộng mở và có xét tuyển cả những HS tốt nghiệp THCS.

+ Khi tư vấn nghề có thể phân loại được đối tượng học sinh ra các nhóm chẳng hạn như nhóm HS học giỏi, nhóm HS khá; nhóm có học sinh có sức học trung bình…khi phân nhóm này, báo cáo viên có thể dễ hơn trong việc tư vấn tuyển sinh và đưa ra những lời khuyên bổ ích, phù hợp.

+ Dùng phiếu trắc nghiệm sẽ giúp học sinh xác định được nhóm sở thích và khả năng nghề nghiệp của bản thân để từ đó xác định nhóm trường hay loại ngành nghề có thể học hay đi làm sau khi tốt nghiệp.

- Bước 3: Trả lời các thắc mắc của học sinh về hướng nghiệp.

Lưu ý:  Đối với các câu hỏi chuyên gia chưa trả lời được, hoặc chưa nắm chắc thì nên hẹn học sinh trả lời sau bằng văn bản gửi đến trường, không nên trả lời những gì mà bản thân chưa nắm chắc.

2. Yêu cầu đối với nhà trường (Yêu cầu đối với Ban tổ chức)

Công tác chuẩn bị của nhà trường rất quan trọng. Ngoài việc phối hợp thực hiện các yêu cầu của chuyên gia như điền vào bảng thống kê dự định đăng ký dự tuyển của học sinh nhà trường cần chuẩn bị các bước quan trọng sau:

- Về phía nhà trường, đơn vị tổ chức

+ Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kịch bản, nội dung chương trình ngày hội

+ Soạn thảo các công văn, kế hoạch tổ chức tới cơ quan quản lý cấp trên (sở GD&ĐT, UBND tỉnh, quận, huyện…xin ý kiến chỉ đạo); gửi giấy mời liên hệ đến chuyên gia, đại diện hội cha mẹ học sinh, doanh nghiệp, thông tin đến quý đơn vị, công ty, cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn;

+ Bố trí banner, gian hàng để các nhà tuyển dụng tổ chức các hoạt động trực tiếp tư vấn, phỏng vấn; đối với các khâu cần có sự chuẩn bị chu đáo, từ xây dựng chương trình, kế hoạch, kịch bản rõ ràng, các phương án, vị trí, sắp xếp bố trí nhân sự được tổng duyệt cẩn thận;

+ Thông báo cho các học sinh được nghỉ học văn hóa trong buổi tư vấn đó và tập trung để sinh hoạt tư vấn hướng nghiệp;

+ Giáo viên chủ nhiệm các lớp nên tham dự cùng với lớp của mình vừa tham gia giữ gìn trật tự nhất là giáo viên chủ nhiệm khối. Bố trí các lớp, các khối lớp ngồi theo vị trí quy định (đối với học sinh yếu kém thường ít tập trung nghe cán bộ tư vấn nói, vì vậy, ngồi phía trên sát sân khấu sẽ kiểm soát được việc làm mất trật tự của các học sinh này);

+ Có thể mời ban đại diện phụ huynh hoặc toàn thể phụ huynh khối lớp 12 đến tham dự để hiểu rõ hơn về công tác tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh.

- Đảm bảo cơ sở vật chất

+ Tùy theo số lượng học sinh tham gia, điều kiện cần có là sân trường/hội trường/ lớp học với không gian đủ rộng cho nhóm lớn học sinh tập hợp và di chuyển vào các nhóm nhỏ;

+ Có điện, hệ thống loa đài, âm thanh và đủ micro cho người dẫn chương trình (nếu cần), máy chiếu, máy tính trình chiếu bài giảng và học sinh sử dụng khi trao đổi hoặc đặt câu hỏi; nếu tổ chức buổi tư vấn ở ngoài trời th́ cần phông màn, bàn ghế...

+ Phiếu khảo sát về hướng nghiệp, cách tổ chức, chất lượng bài giảng, tài liệu tham khảo.

3. Yêu cầu đối với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng

+ Được đưa thông tin về hoạt động, giới thiệu nhu cầu về tuyển sinh, tuyển dụng của mình lên bản tin của BTC hoặc giới thiệu trước toàn thể học sinh tham gia ngày hội;

+ Được tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho công tác tư vấn việc làm;

+ Chuyển cho BTC tài liệu tư vấn, giới thiệu tuyển sinh tại ngày hội;

+ Tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyển sinh, tuyển dụng đúng thời gian, địa điểm và nội quy ngày hội do Ban tổ chức quy định;

+ Yêu cầu thực hiện đúng mục đích của chương trình, đảm bảo tiến độ thời gian tổ chức; các hoạt động giao lưu, cung cấp trao đổi thông tin về hướng nghiệp giữa các tổ chức, cá nhân với học sinh phải chính xác, phù hợp với lứa tuổi, lớp học, cấp học; đảm bảo nội dung thiết thực, chất lượng, hiệu quả;

+ Trong quá trình tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp yêu cầu đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng giới thiệu, quảng bá thương hiệu phù hợp, phỏng vấn theo nội dung đăng ký được duyệt từ trước với đơn vị tổ chức;

+ Nội dung ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cần đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức; bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp có sự phân công, phối hợp nhằm huy động nguồn nhân lực, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyên gia cho ngày hội.

4. Giai đoạn sau buổi tư vấn

Ban tổ chức buổi tư vấn nên họp để tổng kết kết quả buổi tư vấn và định hướng hoạt động tiếp theo hỗ trợ học sinh hướng nghiệp. Các câu trả lời thắc mắc hay thông tin về tuyển sinh mà HS còn chưa rõ nên được đưa lên lên bản tin hay góc hướng nghiệp của nhà trường. Ban tổ chức có trách nhiệm nhờ chuyên gia gửi trả lời các câu hỏi của HS như đã cam kết. Nếu có điều kiện, nhà trường có thể làm bản tóm tắt ngắn về buổi tư vấn để gửi đến đại diện cha mẹ HS. Điều này sẽ giúp cha mẹ HS hiểu thêm về công tác tuyển sinh và hướng nghiệp cho HS. Ở lứa tuổi này, ý kiến của gia đình là rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến chọn ngành học và chọn nghề của HS.

Tóm lại, trong xã hội hiện đại nhu cầu phát triển ngành nghề và dịch chuyển ngành nghề rất nhanh chóng, đa dạng. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, kỹ năng lao động cần thiết trong kỷ nguyên công nghệ mới ngoài yêu cầu cứng về kỹ năng kỹ thuật (mức trung bình và cao) bao gồm những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt nhằm thực hiện công việc cụ thể thì cần phải có những kỹ năng làm việc mềm hay cốt lỗi như: kỹ năng sử dụng máy tính, internet, khả năng ngoại ngữ, khả năng tư duy sáng tạo và tính chủ động trong công việc, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian…Bản thân học sinh cũng cần có những trải nghiệm thông qua ngày hội tư vấn hướng nghiệp trực tiếp để HS có thông tin và kiến thức để lựa chọn nghề cho bản thân mình: học sinh cũng có những hiểu biết về năng lực học tập và yếu tố sinh lý của cá nhân; nhận biết về thế giới nghề nghiệp, những ngành nghề mới xuất hiện, có thể tự trả lời câu hỏi cho bản thân về học đại học có phải là con đường duy nhất để thành công không? Chọn một ngành học có phải là nghề nghiệp của cả đời không? HS cũng phải biết đến điều kiện gia đình, truyền thống gia đình có ảnh hưởng đến nghành nghề trong tương lai.

 Trong thời kỳ hiện nay, toàn xã hội nói chung và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các nhà trường THPT nói riêng cần phải đẩy mạnh hoạt động GDHN nhất là tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp theo định kỳ giúp HS có khả năng lựa chon ngành nghề phù hợp với tương lai phát triển. Học sinh THPT, nhất là HS cuối cấp đang rất cần các chuyên gia tư vấn giúp các em có được những thông tin cần thiết, giải tỏa những băn khoăn, lo lắng khi mùa tuyển sinh đại học đang đến gần. Điều quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc của các nhà trường, đứng đầu là Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trong việc tổ chức ngày hội hướng nghiệp, xây dựng phương án, kịch bản, báo cáo cấp có thầm quyền phê duyệt; đồng thời, liên hệ, kết nối với hội cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban ngành để tổ chức triển khai ngày hội hướng nghiệp thực sự bổ ích, thiết thực và hiệu quả.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing