Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Chuẩn đầu ra - Ngành ĐH Ngôn Ngữ Anh (2018)
Cập nhật lúc: 10:00 AM ngày 14/05/2019
Ban hành theo Quyết định số 190/QĐ-ĐHHĐ ngày 05/02/2018 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức

 Tên chương trình:                 Ngôn ngữ Anh

Trình độ đào tạo:                  Đại học

Ngành đào tạo:                     Ngôn ngữ Anh

Mã số:                                    7220201


1. Mục tiêu đào tạo  

1.1. Mục tiêu chung

Đào tạo cử nhân ngành ngôn ngữ Anh có đủ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong nghề nghiệp và sức khoẻ tốt để có thể làm việc có hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn có sử dụng tiếng Anh, đáp ứng được yêu cầu của xã hội; đào tạo ra những nhà chuyên môn có khả năng thích ứng cao, kiến thức tốt về ngôn ngữ và văn hóa Anh, có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo, linh hoạt và có năng lực cơ bản, kĩ năng cần thiết để làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế, có thể tiếp tục tự học, tham gia học tập ở bậc học cao hơn.

1.2. Mục tiêu cụ thể

1.2.1. Kiến thức

Người học có hệ thống kiến thức cơ bản đạt bậc 6 Khung trình độ quốc gia Việt Nam về lí luận chính trị, quốc phòng an ninh, nhà nước và pháp luật; có kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, văn hoá - xã hội, kinh tế chính trị; có kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Anh để làm việc có hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn có sử dụng tiếng Anh, đặc biệt là công tác biên phiên dịch.

Có kiến thức cơ bản về lý luận và phương pháp dịch thuật để làm việc độc lập với tư cách là một biên, phiên dịch viên, nhân viên giao dịch quốc tế tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước hoặc tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Có kiến thức về phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành tiếng Anh để nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn và tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn.

1.2.2. Kỹ năng

1.2.2.1. Kỹ năng ngôn ngữ: Có năng lực sử dụng tiếng Anh đạt trình độ tương đương bậc 5/6 Khung NLNN 6 bậc dành cho Việt Nam trong trong những công việc có sử dụng tiếng Anh, đặc biệt là biên phiên dịch.

1.2.2.2. Kỹ năng nghề nghiệp: Vận dụng kiến thức về ngôn ngữ Anh, lý luận và phương pháp dịch thuật vào giải quyết các vấn đề liên quan đến tiếng Anh và công tác biên, phiên dịch; lập và thực hiện kế hoạch công tác đảm bảo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng thích ứng với thị trường lao động khi cần chuyển đổi nghề nghiệp; vận dụng hợp lý các kiến thức chuyên môn theo yêu cầu hội nhập quốc tế.

1.2.2.3. Kỹ năng khác

Kỹ năng tư duy lập luận và giải quyết vấn đề: Có kỹ năng vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh để xác định phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu cụ thể; vận dụng quy luật khách quan, xu thế thời đại vào thực tiễn để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể trong học tập, nghiên cứu và trong cuộc sống.

Kỹ năng tự học, tự nghiên cứu: Có kỹ tự học, tự nghiên cứu để có thể làm việc độc lập, làm việc nhóm, hợp tác và làm việc với cộng đồng.

Kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn: Có kỹ năng vận dụng kiến thức vào điều kiện, môi trường công tác thực tế.

Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ thứ 2: Có kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ 2 đạt trình độ tương đương bậc 3/6 theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ: Có kỹ năng sử dụng công cụ công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn; khai thác hiệu quả mạng Internet phục vụ cho việc học tập, công tác và nghiên cứu.

1.2.3. Thái độ

Chấp hành đúng, đầy đủ các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, các qui chế, quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, của nhà trường; có ý chí vươn lên trong học tập; tham gia tích cực, có hiệu quả các hoạt động sinh hoạt học thuật, nghiên cứu khoa học và hoạt động đoàn thể trong trường đại học và cộng đồng xã hội.

1.2.4. Năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm

Có năng lực dẫn dắt chuyên môn, nghiệp vụ ở đơn vị công tác, có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; có khả năng tự định hướng, thích nghi với yêu cầu đổi mới của môi trường công tác; có năng lực tự học, tự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể trong lĩnh vực chuyên môn; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động trong quá trình công tác, đáp ứng nhu cầu xã hội.

1.2.5. Định hướng nghề nghiệp của người học sau khi tốt nghiệp

Người học sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận được các vị trí:

-  Biên dịch viên, phiên dịch viên và biên tập viên trong các công ty, cơ quan ngoại giao, các tổ chức kinh tế, xã hội của Việt Nam và quốc tế; các NXB, trung tâm phát hành sách, báo, tạp chí,…

- Chuyên viên truyền thông, tổ chức sự kiện, thư ký, trợ lý, v.v., trong các công ty có sử dụng tiếng Anh;

- Hướng dẫn viên, chuyên viên tư vấn tại các công ty du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn;

- Giáo viên giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, phổ thông, trung tâm ngoại ngữ.

1.2.6. Định hướng học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp

Người học tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh có thể tiếp tục học tập nâng cao trình độ ở các bậc học thuộc các ngành và chuyên ngành sau:

+ Thạc sĩ Tiếng Anh;

+ Thạc sĩ Ngôn ngữ học;

+ Tiến sĩ Tiếng Anh;

+ Tiến sĩ Ngôn ngữ học;

2. Chuẩn đầu ra

2.1. Kiến thức

Vân dụng được kiến thức về lí luận chính trị, quốc phòng an ninh, nhà nước và pháp luật vào thực tiễn cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp;

Sử dụng kiến thức tiếng Anh ở trình độ tương đương bậc 5/6 theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam để giảng dạy tiếng Anh, biên phiên dịch hoặc làm các công việc có sử dụng tiếng Anh. Vận dụng kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về nghiệp vụ để thực hiện công tác biên dịch, phiên dịch trong môi trường hội nhập quốc tế;

Phân tích, đánh giá được những giá trị văn hóa, ngôn ngữ, văn hoá - xã hội, những vấn đề về kinh tế chính trị để hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn như biên phiên dịch hoặc các công việc liên quan đến sử dụng tiếng Anh;

Áp dụng kiến thức cơ bản về lý luận và phương pháp dịch thuật, tiếp cận và vận dụng được kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trong thực tiễn hoạt động biên, phiên dịch tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước hoặc tư nhân.

Vận dụng tốt các kiến thức về phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành tiếng Anh, các kỹ năng mềm và kỹ năng xây dựng, quản lý dự án trong nghề nghiệp tương lai và cuộc sống.

2.2. Kỹ năng

2.2.1. Kỹ năng ngôn ngữ:

Sử dụng tiếng Anh đạt trình độ tương đương bậc 5/6 theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam trong giao tiếp và trong những công việc như giảng dạy, biên phiên dịch hoặc các công việc liên quan đến sử dụng tiếng Anh.

Đọc hiểu được nhiều loại văn bản dài, phức tạp thường gặp trong đời sống xã hội, trong môi trường công việc hay học thuật, kể cả các văn bản không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình; viết các dạng bài viết một cách chi tiết, rõ ràng, bố cục chặt chẽ về các chủ đề phức tạp, làm nổi bật những ý quan trọng, mở rộng lập luận và quan điểm hỗ trợ cho bài viết với các bằng chứng, ví dụ cụ thể và tóm tắt dẫn đến kết luận phù hợp.

Nghe hiểu được những bài nghe, các thông tin kỹ thuật phức tạp như hướng dẫn vận hành, chi tiết kỹ thuật, các sản phẩm và dịch vụ không quen thuộc; diễn đạt trôi chảy, linh hoạt và hiệu quả, làm chủ và sử dụng thành thạo vốn từ vựng phong phú; sử dụng chính xác, tự tin và hiệu quả cách phát âm, từ vựng và cấu trúc ngữ pháp trong giao tiếp.

2.2.2. Kỹ năng nghề nghiệp

- Dịch được các văn bản, diễn ngôn ở nhiều dạng thức khác nhau như dịch theo chủ để, dịch theo thể loại văn bản từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

- Viết báo cáo, trình bày bài thuyết trình hoặc biên tập các bài báo, các văn bản hoặc các ấn phẩm dịch thuật.

2.2.3. Kỹ năng khác

a. Kỹ năng tư duy lập luận và giải quyết vấn đề

Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh để xác định phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu cụ thể; vận dụng quy luật khách quan, xu thế thời đại vào thực tiễn để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể trong học tập, nghiên cứu và trong cuộc sống.

Lập và thực hiện được kế hoạch công tác cá nhân một cách chủ động, có hệ thống; vận dụng hợp lý các kiến thức chuyên môn theo yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thích ứng với thị trường lao động khi cần chuyển đổi nghề nghiệp.

b. Khả năng nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ

- Hình thành giả thuyết, thu thập và phân tích, xử lý thông tin hoặc tham gia nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa Anh.

- Thuyết trình, giao tiếp tốt, làm việc độc lập và làm việc nhóm một cách hiệu quả.

c. Năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn

- Có khả năng thích nghi với xã hội và môi trường công tác.

- Tổ chức được các hoạt động chuyên môn khác, đảm bảo tính khả thi, sát hoàn cảnh và điều kiện, thể hiện khả năng hợp tác, cộng tác.

d. Năng lực sử dụng ngoại ngữ thứ 2: Giao tiếp được bằng ngoại ngữ 2 đạt trình độ tương đương bậc 3/6 theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam.

e. Vận dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ:  Sử dụng được các công cụ công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn; khai thác hiệu quả mạng Internet phục vụ cho việc học tập, công tác và nghiên cứu.

2.3. Năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm

Có năng lực dẫn dắt chuyên môn, nghiệp vụ ở đơn vị công tác, có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; có khả năng tự định hướng, thích nghi với yêu cầu đổi mới của môi trường công tác; có năng lực tự học, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể trong lĩnh vực chuyên môn; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động trong quá trình công tác, đáp ứng nhu cầu xã hội.


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing