Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Chuẩn đầu ra ngành CNTT công bố 2016
Cập nhật lúc: 02:24 PM ngày 19/05/2017
Chuẩn năng lực người học ngành Công nghệ thông tin trình độ Đại học

 

 

CHUẨN ĐẦU RA

Ngành Công nghệ Thông tin

(Ban hành theo Quyết định số 2901/QĐ-ĐHHĐ ngày 25/11/2016

của Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức)

I.       GIỚI THIỆU VỀ NGÀNH ĐÀO TẠO

-        Tên chương trình:  

+   Tiếng Việt:               Công nghệ thông tin

+   Tiếng Anh:                Information Technology

-        Trình độ đào tạo:                Đại học

-        Mã ngành Đào tạo:             52.48.02.01

-        Ngành đào tạo:                    Công nghệ thông tin

-        Loại hình đào tạo:              Chính quy

-        Thời gian đào tạo:              4 năm

Giới thiệu tóm tắt về chương trình đào tạo:

Đào tạo Cử nhân đại học ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) có kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức chuyên sâu theo các lĩnh vực của ngành CNTT; có kỹ năng thực hành thành thạo về: bảo trì hệ thống máy tính, mạng máy tính, quản trị mạng máy tính; có kỹ năng nghiên cứu và phát triển phần mềm và các hệ thống thông tin; có khả năng tư vấn, triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu, ứng dụng CNTT; có khả năng học sau đại học về chuyên ngành CNTT.

II.   CHUẨN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC ĐẠT ĐƯỢC SAU KHI TỐT NGHIỆP

2.1. Kiến thức

Có kiến thức lý thuyết cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là các lĩnh vực Hệ thống thông tin, mạng máy tính và an toàn thông tin, cụ thể như sau:

a.      Cơ sở dữ liệu

- Mô tả được các phương pháp phân tích yêu cầu về xây dựng cơ sở dữ liệu.

- Mô tả được các phương pháp xây dựng mô hình dữ liệu các mức.

- Trình bày được các kỹ thuật chuẩn hóa, kiểm chứng và đánh giá cơ sở dữ liệu.

b.      Thiết kế và phát triển phần mềm

- Mô tả được các phương pháp thu nhận đặc tả yêu cầu xây dựng phần mềm và các hệ thống thông tin.

- Trình bày được các đặc tả yêu cầu phần mềm; mô tả được các kiến trúc phần mềm hiện đại và các phương pháp quản lý dự án phần mềm.

- Mô tả và nhận biết được các phương pháp, ngôn ngữ, công nghệ xây dựng và phát triển các hệ thống phần mềm.  

- Mô tả và nhận biết được các phương pháp thiết kế website, các công nghệ xây dựng và phát triển các hệ thống thông tin trên nền web 

- Định nghĩa được các khái niệm cơ bản về cơ sở dữ liệu, hệ quản trị cơ sở dữ liệu và mô tả đươc các phương pháp thiết kế & quản trị hệ cơ sở dữ liệu.

c.      Hệ thống mạng máy tính

- Trình bày được các chức năng và nguyên lý hoạt động của các thành phần của máy tính.

- Tóm tắt được các nguyên lý cơ bản về kiến trúc máy tính, hệ điều hành, mạng máy tính.

- Nhận dạng được vai trò của các thành phần trong ngôn ngữ máy tính

- Trình bày được nguyên lý hoạt động của các thiết bị chuyển mạch, các thiết bị định tuyến và các giao thức truyền thông trên mạng.

- Mô tả được các phương pháp, kỹ thuật thiết kế, xây dựng và quản trị mạng máy tính.

d.      An toàn thông tin

- Liệt kê được các luật về an toàn và bảo mật thông tin và các tiêu chuẩn về an toàn bảo mật thông tin tối thiểu cần có cho một hệ thống.

- Nhận dạng được các rủi ro trong quá trình xử lý, truyền và lưu trữ thông tin.

- Trình bày được các chuẩn cụ thể về an toàn bảo mật thông tin như chuẩn mã hóa, chuẩn chữ ký điện tử, chuẩn kết nối an toàn

- Tóm tắt được các nguyên lý cơ bản về đảm bảo an toàn bảo mật thông tin cho một hệ thống.

- Mô tả được các phương pháp cơ bản để xây dựng một hệ thống đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin, đặc biệt trong môi trường ứng dụng mới hiện nay ví dụ như môi trường điện toán đám mây, mạng vạn vật.

- Liệt kê được các thư viện mã nguồn mở và các công cụ hỗ trợ cài đặt các ứng dụng về an toàn bảo mật thông tin.

e.      Chuẩn kỹ năng Quản lý Hệ thống thông tin

- Định nghĩa được các khái niệm cơ bản về hệ thống thông tin

- Mô tả được các phương pháp phân tích đánh giá yêu cầu hệ thống thông tin

- Trình bày được nguyên tắc hoạt động và biết được các tiêu chí đánh giá hiệu năng hoạt động của hệ thống thông tin.

- Mô tả được các phương pháp phân cấp và quản trị người dùng trong hệ thống thông tin.

- Lựa chọn được phương pháp bảo trì, bảo dưỡng và nâng cấp các hệ thống thông tin phù hợp với từng hệ thống

2.2. Về kỹ năng chuyên môn

a.      Kỹ năng về Cơ sở dữ liệu

- Xây dựng được mô hình dữ liệu dựa trên bản phân tích thiết kế hệ thống

- Chuẩn hóa được mô hình dữ liệu theo các chuẩn quy định

- Xây dựng được cơ sở dữ liệu ở mức vật lý

- Sử dụng được hệ quản trị cơ sở dữ liệu để hiện thực hóa các mô hình đã thiết kế

b.      Kỹ năng về Thiết kế và phát triển phần mềm

- Khảo sát được hiện trạng và đặc tả được yêu cầu khách hàng.

- Sử dụng thành thạo các phương pháp và kỹ thuật phân tích và thiết kế hệ thống phần mềm

- Có thể sử dụng các ngôn ngữ lập trình thông dụng để cài đặt các hệ thống phần mềm (Java, C++, C#)

- Xây dựng được kế hoạch kinh phí phát triển, bảo trì và nâng cấp hệ thống phần mềm.

- Biết và sử dụng được các công cụ phát triển phần mềm thông dụng.

- Áp dụng được các phương pháp quản lý dự án phần mềm để quản lý các dự án phần mềm ở phạm vi vừa và nhỏ

c.      Kỹ năng về Hệ thống mạng máy tính

- Phân tích được yêu cầu thiết kế mạng máy tính

- Xác định được phạm vi của hệ thống mạng cần xây dựng và những yêu cầu cụ thể về thiết bị liên quan.

- Xây dựng được các tiêu chí và đánh giá được hiệu quả của hệ thống máy tính thông qua các tiêu chí đã xây dựng.

- Thiết kế và quản trị được các mạng máy tính ở mức độ vừa và nhỏ.

- Phân loại được các thành phần của máy tính và xây dựng hệ thống máy tính.

- Xây dựng được kế hoạch và thực hiện được các kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng máy tính.

- Kiểm tra, đánh giá và khắc phục được các lỗi xảy ra trong quá trình vận hành các máy tính trong hệ thống.

- Triển khai và quản trị được các hệ thống mạng dựa trên các bản thiết kế đã có.

d.      Kỹ năng về An toàn thông tin

- Xây dựng được kế hoạch và thực hiện các kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn bảo mật thông tin cho hệ thống trong quá trình vận hành.

- Phân tích và đánh giá được các mối nguy hiểm của một hệ thống cụ thể, để từ đó đề ra các yêu cầu bảo mật tương ứng.

- Đánh giá được các dạng rủi ro và nguyên nhân các rủi ro của hệ thống mạng máy tính.

- Kiểm tra, đánh giá và khắc phục được các lỗi xảy ra trong quá trình vận hành hệ thống.

- Thiết kế được hệ thống đảm bảo yêu cầu bảo mật dựa trên các chuẩn hiện có trên thế giới và luật về an toàn thông tin.

- Sử dụng được các ngôn ngữ lập trình, mô hình lập trình, các thư viện hỗ trợ về an toàn bảo mật thông tin để từ đó có thể xây dựng được cụ thể hệ thống đạt được các chuẩn về bảo mật.

- Biết xây dựng và triển khai các biện pháp và chính sách an toàn thông tin cho mạng máy tính.

- Nhận biết được lỗi xảy ra đối với hệ thống và xác định được phương pháp khắc phục lỗi.

e.      Kỹ năng về Quản lý hệ thống thông tin

- Thực hiện được các phương pháp thu thập thông tin về hệ thống thông tin.

- Đề ra được các tiêu chí quản lý hệ thống thông tin và phần mềm liên quan.

- Phân quyền và quản lý được các kiểu người dùng trong hệ thống thông tin.

- Phân tích và đánh giá được hiệu năng hoạt động của hệ thống cụ thể dựa trên bảng tiêu chí đánh giá hiệu năng đã được xây dựng.

- Xây dựng và thực hiện được các hoạt động quản lý tài nguyên hệ thống (phần cứng và phần mềm).

- Nhận biết được các lỗi, sự cố và có biện pháp khắc phục phù hợp.

- Xây dựng và tổ chức được các hoạt động theo dõi, đánh giá và bảo trì hệ thống.

- Có khả năng di trú hệ thống thông tin sang một hạ tầng khác khi có yêu cầu.

- Đề xuất được các cải tiến nhằm phát triển hệ thống thông tin hiện có đáp ứng yêu cầu phát triển.

2.3. Về kỹ năng mềm

a.      Các kỹ năng cá nhân

- Có tư duy sáng tạo trong công việc,

- Có tư duy phản biện,

- Biết đề xuất sáng kiến nhằm giải quyết một vấn đề còn tồn tại.

b.      Làm việc theo nhóm

- Có khả năng hợp tác với các thành viên khác trong nhóm để hoàn thành công việc,

- Biết cách chia sẻ thông tin trong nhóm.

c.      Quản lý và lãnh đạo

- Sử dụng được các phương pháp quản lý thời gian, nguồn lực phù hợp

- Biết các phương pháp quản lý dự án.

d.      Kỹ năng giao tiếp

- Sử dụng được các phương pháp lập luận, sắp xếp ý tưởng;

- Có thể giao tiếp bằng văn bản, giao tiếp điện tử, đa truyền thông;

- Có khả năng thuyết trình trước đám đông.

2.3. Năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm:

Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.

2.4. Thái độ:

- Chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, trong đó nắm vững và thực hiện tốt Luật Giao dịch điện tử và các quy định liên quan đến lĩnh vực CNTT.

- Có hiểu biết về Luật Sở hữu trí tuệ và thái độ đúng đắn về vấn đề Bản quyền tác giả; có đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm trong công việc, tinh thần làm việc tập thể và tác phong chuyên nghiệp.

- Có ý thức cầu thị, thường xuyên phấn đấu vươn lên nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý và nghiệp vụ, luôn tìm tòi sáng tạo trong chuyên môn.

- Có thói quen thường xuyên cập nhật tri thức mới. Có nhận thức về sự cần thiết và khả năng tham gia vào việc học tập suốt đời, có kiến thức rộng để có thể làm việc hiệu quả trong bối cảnh những công nghệ mới liên tục xuất hiện để từ đó hiểu được tác động của các công nghệ mới trong bối cảnh xã hội, kinh tế toàn cầu.

2.5. Tiếng Anh:

Đạt bậc 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là:

a.      Kỹ năng nghe:

- Có thể hiểu được những thông tin hiện thực đơn giản được diễn đạt rõ ràng bằng giọng chuẩn về các chủ đề liên quan tới cuộc sống và công việc thường ngày.

- Có thể xác định được ý chính trong các bài nói được trình bày rõ ràng về những chủ đề thường gặp trong cuộc sống, công việc hay trường học, kể cả các câu chuyện khi được diễn đạt rõ ràng bằng phương ngữ chuẩn phổ biến.

b.      Kỹ năng nói:

- Có thể giao tiếp tương đối tự tin về các vấn đề quen thuộc liên quan đến sở thích, học tập và việc làm của mình. Có thể trao đổi, kiểm tra và xác nhận thông tin, giải thích vấn đề nảy sinh. Có thể trình bày ý kiến về các chủ đề văn hóa như phim ảnh, sách báo, âm nhạc, v.v...

- Có thể tham gia đàm thoại về các chủ đề quen thuộc mà không cần chuẩn bị, thể hiện quan điểm cá nhân và trao đổi thông tin về các chủ đề quen thuộc liên quan đến sở thích cá nhân, học tập, công việc hoặc cuộc sống hằng ngày.

c.      Kỹ năng đọc:

Có thể đọc hiểu các văn bản chứa đựng thông tin rõ ràng về các chủ đề liên quan đến chuyên ngành và lĩnh vực yêu thích, quan tâm của mình.

d.      Kỹ năng viết:

Có thể viết bài đơn giản, có tính liên kết về các chủ đề quen thuộc hoặc mối quan tâm cá nhân bằng cách kết nối các thành tố đơn lập thành bài viết có cấu trúc.

III.      KHẢ NĂNG ĐÁP ỨNG CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

a.      Khả năng giảng dạy:

Giảng dạy CNTT tại các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề và các trường Phổ thông (cần thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm).

b.      Khả năng nghiên cứu và phát triển Công nghệ thông tin:

- Là chuyên viên trong các cơ quan đơn vị có ứng dụng công nghệ thông tin (hành chính sự nghiệp, viễn thông, điện lực, ngân hàng, tài chính, thương mại, …).

- Là chuyên gia tin học trong các công ty chuyên về công nghệ thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và gia công phần mềm và nội dung số ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Làm việc trong các công ty tư vấn về đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các hệ thống thông tin, hệ thống mạng và truyền thông.

- Là lãnh đạo trong các nhóm, các công ty phát triển và kinh doanh về các sản phẩm CNTT và Truyền thông.

- Là nghiên cứu viên trong các trường đại học hay viện nghiên cứu có liên quan đến công nghệ thông tin.

IV.       KHẢ NĂNG HỌC TẬP, NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ SAU KHI RA TRƯỜNG

- Có khả năng tự học để hoàn thiện, bổ sung, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngành công nghệ thông tin.

- Có khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu chuyên môn ở trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ.

 

 

 


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing


Các tin cũ hơn:
  •  Chuẩn đầu ra cử nhân CNTT