Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP (GDHN) GẮN VỚI SẢN XUẤT TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Cập nhật lúc: 04:23 PM ngày 19/05/2020

GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP (GDHN) GẮN VỚI SẢN XUẤT

TẠI ĐỊA PHƯƠNG

 

1. Quan điểm tiếp cận GDHN gắn với lao động sản xuất tại địa phương

Thực tiễn sản xuất tại địa phương có thể hình dung là một phần của thực tế đời sống xã hội và con người của một địa phương cụ thể. Thực tiễn này được giới hạn ở phạm vi hoạt động lao động sản xuất (bao gồm cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ) thuộc các  lĩnh vực ngành nghề ở địa phương đó. Nếu nhìn ở góc độ giáo dục, có thể coi đó là môi trường giáo dục của hướng nghiệp Môi trường giáo dục được hiểu bao gồm tất cả yếu tố về cơ sở vật chất, kỹ thuật, quan hệ xã hội và văn hóa của con người với hệ giá trị được xác lập trong cộng đồng, có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống học tập và rèn luyện của học sinh” ”[7].

Vì thế, hiểu GDHN gắn với thực tiễn HĐSX tại địa phương không chỉ là việc gắn với nhu cầu về lao động của địa phương mà còn phải là coi thực tiễn đó như một môi trường diễn ra hoạt động GDHN. Điều này sẽ mang đến một cái nhìn rộng mở đối với việc xây dựng các chương trình GDHN gắn với thực tiễn địa phương mà không bị bó hẹp trong các hình thức hoạt động tham quan cơ sở sản xuất hay giao lưu với doanh nghiệp.

Khi hoạt động trong môi trường này, học sinh sẽ được trực tiếp trải nghiệp nghề từ các nội dung tìm hiểu về vị trí, vai trò của nghề nghiệp đối với sự phát triển của địa phương mà còn có thể mở rộng nhận thức về đặc điểm nghề, các yêu cầu về phẩm chất năng lực nghề nghiệp, thẩm thấu được các giá trị nghề…

Việc tiếp cận thực tiễn HĐSX tại địa phương từ hướng này là những khả thể để xây dựng một chương trình hướng nghiệp đạt được cùng lúc hai mục tiêu: phát triển năng lực hướng nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tiễn địa phương và phân luồng sau THPT một cách hiệu quả.

2. Nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình THPT

Chương trình HĐGDHN ở trường THPT, cũng như Chương trình hướng nghiệp nói chung đều hướng tới ba nhóm năng lực chính. Đó là: Nhận thức về bản thân, nhận thức về nghề nghiệp, ra quyết định và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp. Ba nhóm này tương ứng với 9 năng lực cụ thể được mô tả trong các tài liệu hướng nghiệp ở phổ thông[1]

Các năng lực này có giá trị định hướng cho toàn bộ hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường. Mỗi cấp học sẽ định hướng theo đặc thù riêng. Trong chương trình GDPT 2018, để hình thành và phát triển năng lực hướng nghiệp, các HĐGDHN được cấu trúc theo dạng đồng tâm và nâng cao dần ở các cấp học sau. Mục tiêu năng lực hướng nghiệp được thể hiện ở ba kỹ năng: Hiểu biết về nghề nghiệp; hiểu biết và rèn luyện phẩm chất liên quan đến nghề nghiệp; ra quyết định và lập kế hoạch học tập liên quan đến nghề nghiệp. Trong chương trình hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp bậc THPT năm 2018, các mục tiêu năng lực này được mô tả:

Mục tiêu  năng lực

Các yêu cầu cần đạt

Hiểu biết về nghề nghiệp

-       Giải thích được các điều kiện làm việc, công việc và vị trí việc làm của các nghề/nhóm nghề.

-        Phân tích được yêu cầu về phẩm chất, năng lực của người làm nghề.

-       Trình bày được nhu cầu xã hội đối với các nghề và sự phát triển của các nghề đó trong xã hội.

-       Giới thiệu được các thông tin về trường cao đẳng, đại học, các trường trung cấp học nghề và các cơ sở đào tạo nghề liên quan đến định hướng nghề nghiệp của bản thân.

-       Phân tích được vai trò của các công cụ của các ngành nghề, cách sử dụng an toàn, những nguy cơ tai nạn có thể xảy ra và cách đảm bảo sức khoẻ nghề nghiệp.

Hiểu biết và rèn luyện phẩm chất liên quan

-       Thể hiện được hứng thú đối với nghề hoặc lĩnh vực nghề nghiệp và thường xuyên thực hiện hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp đó.

-        Xác định được những phẩm chất và năng lực của bản thân phù hợp hoặc chưa phù hợp với yêu cầu của nhóm nghề và nghề định lựa chọn.

-       Rèn luyện được những phẩm chất, năng lực cơ bản đáp ứng yêu cầu của nghề định lựa chọn và với nhiều nghề khác nhau.

-       Biết cách giữ an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp.

Ra quyết định và lập kế hoạch học tập liên quan đến nghề nghiệp

-        Tổng hợp và phân tích được các thông tin chủ quan, khách quan liên quan đến nghề định lựa chọn.

-       Ra được quyết định lựa chọn nghề,trường đào tạo nghề, hướng học tập nghềnghiệp.

-        Lập được kế hoạch học tập và phát triển nghề nghiệp.

 

Dựa trên mục tiêu năng lực và các yêu cầu cần đạt này, chương trình HĐGDHN sẽ thiết kế các nội dung hoạt động theo từng lớp với các chủ đề cụ thể chia theo tháng và từng hình thức tổ chức họat động. Tuy nhiên, cũng có thể tóm lược và phân loại nội dung theo các nhóm năng lực từ đó có thể linh hoạt về thời gian, cách thức tổ chức.

Năng lực

Khối lớp

Tìm hiểu bản thân và rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp

Tìm hiểu nghề nghiệp

Ra quyết định và lập kế hoạch học tập

Lớp 10

-  Tìm hiểu xu hướng nghề nghiệp của bản thân

-  Sự phù hợp nghề

-  Chọn nghề phù hợp với năng lực và xu hướng của bản thân

-  Tìm hiểu nghề nghiệp gia đình

-  Mối quan hệ giữa năng lực nghề nghiệp và lao động nghề nghiệp

-  Tìm hiểu vị trí, tầm quan trọng, đặc điểm  của các nghề:

-  Bản mô tả nghề

-  Liên hệ với khả năng, sở thích, nhu cầu của bản thân

 

-  Định hướng nghề tương lai

-  Lập bản kế hoạch nghề tương lai

Lớp 11

-  Đánh giá năng  lực bản thân và định hướng nghề nghiệp tương lai.

 

 

-  Tìm hiểu vai trò, vị trí, triển vọng, đặc điểm của nghề

-  Bản mô tả nghề

-  Liên hệ bản thân

-  Tìm hiểu đặc điểm cơ bản của thị trường lao động gắn với các nghề

-  Tìm hiểu thông tin về thị trường lao động

-  Tìm hiểu thực tế về một cơ sở đào tạo

-  Xem xét việc thực hiện bản "Kế hoạch nghề nghiệp tương lai".

-  Những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện "Kế hoạch nghề nghiệp tương lai".

Lớp 12

-  Những điều kiện để thành đạt trong nghề

-  Những hướng đi sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

-  Kế hoạch học tập tu dưỡng để thành đạt trong nghề nghiệp.

 

-  Một số định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

-  Nhu cầu lao động của địa phương và đất nước.

-  Tìm hiểu thông tin về việc làm.

-  Tìm hiểu hệ thống đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp và Dạy nghề của Trung ương và địa phương

-  Tìm hiểu thông tin đào tạo cần thiết cho bản thân.

-  Tìm hiểu thông tin hệ thống trường Đại học và Cao đẳng.

-   Tìm hiểu thông tin đào tạo cần thiết cho bản thân

-  Quy trình tư vấn chọn nghề cho học sinh.

-  Xem xét sự phù hợp nghề của học sinh và đưa ra những lời khuyên chọn nghề.

-  Sổ tay hướng nghiệp của học sinh.

-  Một số điều cơ bản trong quy chế tuyển sinh.

-  - Làm hồ sơ tuyển sinh.

 

Từ bảng phân loại trên có thể thấy nội dung các HĐGDHN gồm ba mạch: hướng tới bản thân, hướng tới nghề nghiệp và ra quyết định chọn nghề, lập kế hoạch nghề nghiệp. Mỗi mạch nội dung gắn liền với các kiến thức và kỹ năng cần có để tạo thành năng lực.

 Mạch nội dung thứ nhất gồm các kiến thức tìm hiểu bản thân, nghề nghiệp gia đình, về sự phù hợp giữa khả năng và các yêu cầu của nghề nghiệp để phát triển năng lực lao động nghề nghiệp, định hướng phát triển nghề nghiệp, những yếu tố ảnh hưởng đến nghề nghiệp…

Mạch nội dung thứ hai: tìm hiểu các lĩnh vực nghề nghiệp, học sinh được tìm hiểu nghề qua một số lĩnh vực quen thuộc trong đời sống xã hội về các phương diện như vị trí, tầm quan trọng của nghề đặc biệt là đặc điểm nghề nghiệp, các yêu cầu về phẩm chất, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp, các điều kiện thành đạt trong nghề nghiệp, lập được bản mô tả về một nghề cụ thể. Cùng với đó là các phương diện liên quan như thị trường lao động, cơ sở đào tạo, tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khu vực tác động tới nghề nghiệp

Mạch nội dung thứ ba: ra quyết định chọn nghề và lập kế hoạch nghề nghiệp cho tương lai với các kiến thức về việc lập kế hoạch nghề nghiệp, lựa chọn nghề, tham vấn ý kiến của chuyên gia, các nhà tuyển dụng…và quyết định lựa chọn ngành, nghề cũng như cơ sở đào tạo.

 Quan sát nội dung HĐGDHN theo ba mạch này có thể nhìn thấy một hình ảnh khá linh hoạt ở chỗ một mặt, có thể chia tách thành các chủ đề nhỏ rải đều theo thời gian năm học, mặt khác cũng có thể gộp thành một số chủ đề lớn, thực hiện trong một giai đoạn nhất đinh, cũng có thể thực hiện từng nhóm nội dung theo từng năm học… tùy thuộc vào kế hoạch và điều kiện thực tế của nhà trường. Đây là một thuận lợi khi tổ chức HĐGD trong môi trường LĐSX tại địa phương.

3. Các hình thức hoạt động GDHN trong môi trường sản xuất tại địa phương

Các hình thức hoạt động có thể thực hiện khá đa dạng: hoạt động có tính khám phá như thực địa, thực tế, tham quan; hoạt động có tính thể nghiệm, tương tác như đóng vai, diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa; hoạt động có tính lâu dài như dự án, nghiên cứu, câu lạc bộ; hoạt động cống hiến như thực hành lao động, hoạt động tình nguyên …. Song để thực tế HĐSX tại địa phương trở thành những yếu tố tham gia tích cực vào GDHN, những hoạt động sẽ phải xuất phát từ thực tế và vì thực tế nghề nghiệp, lao động, con người, xã hội và văn hóa của chính địa phương. Bởi thế, nhóm hoạt động mà chúng tôi đề xuất là: Trò chơi, diễn đàn, nghiên cứu, tham gia, giao lưu, dự án, tham quan

3.1. Hình thức trò chơi

Đây là một loại hoạt động giải trí, thư giãn, buộc người chơi phải tham gia thực sự,  giúp kích hoạt trang thái tích cực, tạo điều kiện để tiếp nhận kiến thức dễ dàng, lâu dài. Hình thức trò chơi này trong GDHN có thể sử dụng cho học sinh lớp 10 khi thực hiện nội dung tìm hiểu bản thân và rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp. Cụ thể là các trò chơi trắc nghiệm về đặc điểm cá nhân, sở thích, sự tương ứng giữa sở thích, đặc điểm cá nhân với một nghề nhất định. Để có được các nội dung trắc nghiệm, giáo viên hướng nghiệp phải hiểu về lý thuyết mật mã Holland, giản lược nó sao cho ngắn gọn, nhằm thiết kế các phiếu trắc nghiệm rõ ràng và hấp dẫn.

3.2. Hình thức diễn đàn

Diễn đàn là không gian mà ở đó một cá nhân có thể nêu ra các quan điểm, các ý kiến của mình và được người nghe lắng nghe, thảo luận. Hình thức diễn đàn trong GDHN có thể sử dụng để thực hiện các nội dung:  những điều kiện thành công trong nghề nghiệp (lớp 10) giới thiệu về nghề nghiệp gia đình, nghề địa phương (lớp 10)  hành trình và định hướng chọn nghề ( lớp 12) . Thông qua diễn dàn, học sinh một mặt có được các hiểu biết và thể hiện những hiểu biết đó, mặt khác, tạo ra những tác động tâm lý tới những học sinh khác, thúc đẩy hoạt động tìm hiểu sự phù hợp giữa năng lực bản thân và nghề nghiệp. Diễn đàn có thể được tổ chức với các quy mô khác nhau. Có thể tổ chức ở lớp, trong câu lạc bộ, ở cấp toàn trường…diễn đàn phải là nơi để học sinh được nói tiếng nói trung thực nhất của mình, vì vậy không gian tổ chức diễn đàn cần thể hiện sự thân thiện, cởi mở.

3.3. Hình thức khám phá – nghiên cứu

Đây là hình thức đòi hỏi người học phải dựa trên một vấn đề cụ thể, sử dụng các công cụ thu thập thông tin, phân tích hay xử lý thông tin theo những tiêu chí nhất định từ đó rút ra những đánh giá, những mô tả, lý giải…, thể hiện quan điểm của mình về vấn đề đó. Hình thức này trong hoạt động GDHN có thể thực hiện với các nội dung: Tìm hiểu thế giới nghề nghiệp ở địa phương, Tìm hiểu về một nghề cụ thể hay một nghề truyền thống, với các thông tin giúp cho việc hiểu về nghề rõ hơn như nhu cầu lao động, triển vọng của nghề trong tương lai…Những kết quả này có thể giúp cho bản thân học sinh thực hiện được kỹ năng mô tả nghề một cách thành thạo đồng thời có được một cái nhìn bao quát về một nghề cụ thể. Đây là những hiểu biết quan trọng làm cơ sở để học sinh đánh giá, lựa chọn và xây dựng kế hoạch nghề nghiêp. Kết quả nghiên cứu có thể trở thành tài nguyên chung cho những học sinh muốn tìm hiểu về nghề nghiệp của địa phương.

Hình thức này cần thực hiện theo nhóm, giáo viên tổ chức học sinh thành các nhóm dựa trên sở thích, khả năng của các em đồng thời cần hỗ trợ các em về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu khi các em cần. Hình thức này cũng đòi hỏi thời gian thực hiện lâu dài vì vậy việc động viên các em và duy trì nhu cầu khám phá, tìm hiểu cũng là nhiệm vụ cần thiết.

3.4. Hình thức giao lưu

Hình thức giao lưu thực hiện trong GDHN gắn với thực tiễn HĐSX tại địa phương cần phải thực hiện dựa trên sự hợp tác chặt chẽ vì mục tiêu giáo dục giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Hoạt động này được thực hiện với các nội dung:

-   Tìm hiểu cơ sở đào tạo nghề,

-      Tìm hiểu nhhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất

-   Tìm hiểu những điều kiện để thành công trong nghề

-   Những yếu tố liên quan đến việc chọn nghề và sự thành đạt trong nghề nghiệp sau này…

-   Những chính sách mới và các xu hướng đối với lao động và tuyển dung lao động của địa phương

Vì thế, đối tượng được mời để giao lưu là những chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thành đạt, những tấm gương lao động có thành tích cao, đại diện các cơ sở đào tạo, cơ sở tuyển dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động...

3.5. Hình thức tham gia lao động tại một cơ sở cụ thể

Hình thức này sẽ được thực hiện khi học sinh đã có định hướng nghề nghiệp cụ thể, hoặc mong muốn được trải nghiệm nghề nghiệp mà mình có dự định theo đuổi. Hoạt động này giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về nghề, đặc biệt tạo cảm xúc nghề nghiệp, cảm nhận các giá trị nghề nghiệp rõ ràng, có ý nghĩa quyết định đối với sự lựa chọn nghề sau khi học xong THPT.

3.6. Hình thức dự án

Hình thức dự án trong hướng nghiệp thường gắn với việc học sinh xây dựng kế hoạch và thực hiện một dự án hỗ trợ hoặc phát triển một nghề truyền thống ở địa phương. Qua hoạt động này, các em tìm thấy sự gắn bó, ý thức trách nhiệm đồng thời bước đầu hình dung những công việc đầu tiên gắn với nghề truyền thống mà mình lựa chọn. Hình thức này có thể thực hiện ở lớp 10 và lớp 11 với nội dung tìm hiểu nghề.

Bên cạnh các hình thức mà chúng tôi giới thiệu trên đây, còn rất nhiều các hình thức khác mà nhà trường có thể tổ chức nhằm đạt được các mục tiêu hướng nghiệp. Những hoạt động mà chúng tôi đã mô tả chỉ mang tính chất giới thiệu, thể hiện việc lấy thực tiễn địa phương làm điểm xuất phát cho quá trình hướng nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào điều kiện nhà trường và đặc biệt là sự tham gia của chính quyền địa phương, sự cộng tác của các tổ chức đoàn thể xã hội liên quan, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đóng trên địa bàn… vào hoạt động giáo dục. Một điểm cần lưu ý, hiện nay, hệ thống văn bản nhà nước nhằm cụ thể hóa vấn đề này vẫn chưa được ban hành ngoài Điều 93, khoản 1, điểm a của Luật giáo dục 2019: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm: Hỗ trợ, hợp tác với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho nhà giáo và người học tham quan, hoạt động trải nghiệm, thực tập, nghiên cứu khoa học”. Hiện tại đây là căn cứ pháp lý duy nhất để nhà trường huy động sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tại địa phương vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục.

4. GDHN gắn với thực tiễn hoạt động sản xuất tại địa phương như một mô hình cung cấp dịch vụ hướng nghiệp

Theo lý thuyết về mô hình cung cấp dịch vụ hướng nghiệp các nhà quản lý giáo dục phổ thông có thể xây dựng được ở nhà trường của mình một mô hình cung cấp dich vụ hướng nghiệp. Đây là một mô hình hình tháp có 4 bậc tương ứng với các cấp độ của nhu cầu hướng nghiệp của người học. Vận dụng mô hình này, nếu coi mục tiêu hướng nghiệp là nhằm hướng đến sự phân luồng đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương thì ứng dụng mô hình này cũng là một con đường để thực hiện hoạt động hướng nghiệp.

 

Bậc thứ nhất: Thông tin, nằm ở đáy của hình tháp hệ thống thông tin. Hệ thống này bao gồm toàn bộ các thông tin chính xác, đảm bảo tính thời sự, phản ánh được những gì đang xảy ra ở thị trường tuyển dụng của địa phương, hữu ích cho việc chọn ngành, chọn nghề, phù hợp với văn hóa và phong tục của địa phương. Bậc này phục vụ cho việc tìm hiểu thông tin cần thiết của học sinh và phụ huynh về các ngành nghề đang hoạt động ở địa phương và xu hướng nghề trong tương lai. Để có được hệ thống thông tin này cần có các phương tiện để kết nối với các trang thông tin liên quan, tập hợp kết quả tìn hiểu về nghề nghiệp, thế giới nghề nghiệp ở địa phương mà học sinh đã thực hiện trong các chương trình hướng nghiệp cụ thể. Nơi để tìm hiểu thông tin có thể đơn giản chỉ là một góc hướng nghiệp trong thư viện nhà trường.

Bậc thứ hai: Chương trình. Cung cấp các chương trình hướng nghiêp mà nhà trường đang thực hiện và thực hiện có hiệu quả đồng thời luôn cải tiến để phù hợp với nhu cầu của học sinh và liên tục đảm bảo tính mới của thông tin về yêu cầu tuyển dụng, thị trường lao động, cơ sở đào tạo… và các thông tin khác về nghề nghiệp

Bậc thứ ba: Hướng dẫn, tìm hiểu. Đáp ứng các nhu cầu tìm hiểu nghề nghiệp và hướng nghiệp trong thời gian ngắn

Bậc này hướng tới các yêu cầu tìm hiểu nghề nghiệp sâu hơn so với bậc 1 và 2. Nó cho thấy mối quan tâm và định hướng lựa chọn của học sinh và phụ huynh

Bậc bốn: Tư vấn hướng nghiệp. Nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn với chất lượng cao đến học sinh và phụ huynh khi cần thiết. Bậc này chỉ thực hiện khi học sinh cần được tư vấn tâm lý hay hỗ trợ khi gặp những khó khăn trong quyết định lựa chọn nghề nghiệp.

Mô hình cung cấp dịch vụ này có thể được thực hiện trong phạm vi địa phương dựa trên các nguồn thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, tình hình kinh tế xã hội, nghề nghiệp, tuyển dụng lao động…của địa phương. Mô hình này cho thấy rõ sự phân hóa theo từng cấp độ. Giúp cho mục tiêu phân luồng trong hướng nghiệp được thực hiện. Tất nhiên, kết quả đạt được sẽ phụ thuộc vào chất lượng thông tin, các chương trình hướng nghiệp, trình độ nghiệp vụ tư vấn của nhà giáo dục hướng nghiệp.

Về hình thức, mỗi bậc của mô hình đều tồn tại tách bạch, song chúng là sự tiếp nối, hỗ trợ để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, để xây dựng được mô hình hướng nghiệp này đòi hỏi lãnh đạo nhà trường phải có một tầm nhìn nhất định và có kế hoạch xây dựng từng bước đi một cách cụ thể.

Như vậy, việc tổ chức HĐHN theo mô hình cung cấp dịch vụ thực chất chính là cung cấp một chiến lược hướng nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, xuất phát từ thực tiễn địa phương, huy động sự tham gia của địa phương mà không chỉ là coi thực tiễn HĐSX tại địa phương như là một địa chỉ để tham quan hay tìm hiểu.



[1] Xem tài liệu Bộ GD&ĐT (2013) Đổi mới GDHN trong trường trung học, Tài liệu tập huấn

 

  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing