Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2015
Cập nhật lúc: 08:36 AM ngày 26/05/2015
Ngày 23/5/2015, tại phòng 404, 407 nhà Điều hành cơ sở chính, trường Đại học Hồng Đức, các Hội đồng nghiệm thu đề tài Khoa học và Công nghệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiệm thu 03 đề tài cấp Bộ, thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội do các cán bộ, giảng viên trường Đại học Hồng Đức làm chủ nhiệm đề tài. Cả 03 đề tài khoa học đều được các Hội đồng thống nhất nghiệm thu và xếp loại tốt.

1. Đề tài mã số: B2013-42-25: “Nghiên cứu đặc điểm của văn học yêu nước nửa sau thế kỷ XIX ở Việt Nam”do TS. Nguyễn Văn Thế, Phó trưởng phòng QLKH&CN làm chủ nhiệm đề tài.

Đây là đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn, có tính hệ thống, nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về văn học yêu nước nửa sau thế kỷ XIX ở Việt Nam. Tác giả công trình đã tập hợp được một khối lượng tài liệu khá phong phú về văn học yêu nước Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, góp phần phục hiện đầy đủ hơn diện mạo văn học dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Đề tài đã khái quát, phân tích và lý giải được các đặc điểm của văn học yêu nước giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX trên các phương diện đội ngũ sáng tác, hệ thống chủ đề, nội dung tư tưởng, hình thức biểu đạt... 

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đem lại nhiều tri thức mới giúp ích cho việc giảng dạy và học tập phần văn học yêu nước nửa sau thế kỷ XIX ở Việt Nam nói riêng, văn học trung đại và cận đại Việt Nam nói chung. Do vậy, đề tài là nguồn tài liệu tham khảo bổ ích cho giảng viên cũng như sinh viên, học viên trong giảng dạy và nghiên cứu các học phần thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam. Mặt khác, việc thực hiện đề tài đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường Đại học Hồng Đức, nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học của tập thể cán bộ, giảng viên thực hiện đề tài.

Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài TS. Nguyễn Văn Thế

2. Đề tài mã số: B2013-42-27: “Văn xuôi Việt Nam về đề tài tha hương thập niên đầu thế kỷ XXI” do PGS.TS. Lê Tú Anh, giảng viên khoa Khoa học Xã hội làm chủ nhiệm đề tài.

Đề tài đã nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về văn xuôi tha hương của Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Tác giả công trình đã tập hợp được một khối lượng tài liệu phong phú về văn học tha hương không chỉ trong các sách đã xuất bản, mà còn cả những tác phẩm mới được in trên báo. Do vậy, đề tài có tính thời sự, cập nhật cao. Đề tài đã nhận diện, khái quát, phân tích và lý giải được các đặc điểm nổi bật của hình hượng con người tha hương là: Con người dấn thân, con người hoài niệm và con người cô đơn. Những đặc điểm này đã cho thấy sự đổi mới quan niệm về con người so với văn học truyền thống, mở rộng nhận thức về con người trong văn học Việt Nam. Đề tài cũng xác định và nhận diện được hai xu hướng hình thức cơ bản trong việc thể hiện đề tài tha hương. Kết quả nghiên cứu này không chỉ làm sáng tỏ các phương diện thi pháp văn xuôi, mà còn góp phần tích lũy kinh nghiệm đọc văn xuôi viết theo lối hậu hiện đại.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu khác sâu hơn và là nguồn tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà khoa học, cán bộ giảng viên, học sinh - sinh viên ngành Ngữ văn và chuyên ngành Văn học Việt Nam.

Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài PGS. TS. Lê Tú Anh   

3. Đề tài mã số: B2013 - 42 - 28.: “Tri thức địa phương về sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của người Mường ở Thanh Hoá” do TS. Mai Văn Tùng, Phó  Giám đóc Trung tâm TT – TV làm chủ nhiệm đề tài.

            Mục tiêu của đề tài nghiên cứu một cách hệ thống về tri thức địa phương trong việc sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của người Mường tỉnh Thanh Hóa, từ đó đề xuất một số giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị tri thức địa phương phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái nói chung và vùng không gian sinh tồn của người Mường ở Thanh Hóa nói riêng.

           Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu của nhóm tác giả thể hiện trong quá trình làm việc. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu về tri thức địa phương trong việc sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của người Mường ở Thanh Hoá. Bên cạnh những kiến thức địa phương truyền thống, kết quả nghiên cứu cho thấy những yếu tố bảo lưu cũng như biến đổi của nội dung nghiên cứu giữa xã hội truyền thống và hiện đại; Góp phần nhận diện toàn cảnh bức tranh về người Mường ở Thanh Hoá từ góc độ lịch sử, kinh tế, văn hoá - xã hội trong nền cảnh sinh động của cộng đồng các tộc người ở Việt Nam; Làm phong phú thêm nguồn tư liệu về tri thức địa phương trong kho tàng tri thức dân gian; làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quản lý nông thôn, nhất là những vùng nông thôn nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Trên cơ sở đó, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, góp phần cải tạo và xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Kết quả nghiên cứu của đề tài còn là nguồn tài liệu tham khảo phục vụ đào tạo đại học và sau đại học các ngành Dân tộc học/Nhân học, Lịch sử Việt Nam, Việt Nam học, Văn hóa học...

Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài TS. Mai Văn Tùng

                                                                                                      BBT  website


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing