Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Giới thiệu phần mềm xác thực chữ ký viết tay HDUSigVeri
Cập nhật lúc: 04:21 PM ngày 13/05/2014
Bài viết này trình bày một kết quả nghiên cứu của CB/GV Khoa CNTT&TT về xây dựng và phát triển hệ thống nhận dạng chữ ký viết tay tự động...

 

1. Giới thiệu chung

Chữ ký viết tay là một phương tiện được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống ở nhiều môi trường khác nhau (ngân hàng, công sở, ủy ban, tòa án, điều tra…). Nó được chấp nhận một cách chính thức như là một bằng chứng tin cậy để xác thực duy nhất một người nào đó. Không giống như các đặc điểm sinh trắc học khác (ví dụ: DNA, vân tay, mống mắt,…) – vốn yêu cầu các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng để thu thập và xác thực, quá trình tạo chữ ký viết tay và thu thập chúng được thực hiện rất đơn giản từ các công cụ giấy và bút. Có thể nhận thấy một số lượng lớn các chữ ký được tạo ra mỗi giờ và luân chuyển trong các luồng làm việc khác nhau của từng đơn vị khác nhau từ phạm vi hẹp đến mức độ vĩ mô  (trường học, công sở, ngân hàng, công ty, ủy ban, văn phòng chính phủ…).

Quá trình xác thực tính đúng đắn của các chữ ký viết tay trên tài liệu hiện đang được xử lý một cách thủ công bởi các người dùng liên quan đến từng ngữ cảnh cụ thể. Một thực tế là hầu hết những nhân viên làm việc ở  các vị trí cần xác thực tính đúng đắn của chữ ký (ví dụ như văn thư, kế toán viên, nhân viên ngân hàng, điều tra viên, toà án, …) lại không được đào tạo để phát hiện chữ ký giả mạo, họ chỉ đơn thuần xác thực tính đúng đắn của chữ ký dựa vào kinh nghiệm và các quan sát thu được khi đối sánh với chữ ký gốc (đã được biết). Thực tế này sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng nếu các chữ ký được tạo ra bởi các chuyên gia giả mạo chữ ký. Trong các tình huống đó, việc xác thực tính hợp lệ của chữ ký gặp rất nhiều khó khăn – ngay cả với các chuyên gia phân tích chữ ký giả mạo. Hơn nữa, sự hiện diện của một chuyên gia phân tích chữ ký giả mạo là điều khó khả thi bởi vì trong thực tế chúng ta không thể cung cấp mỗi đơn vị một chuyên gia xác thực chữ ký để chuyên làm nhiệm vụ của họ. Thậm chí, một chuyên gia như vậy cũng không thể xử lý hết số lượng các chữ ký cần xác thực hàng ngày tại mỗi đơn vị.

Từ các thực tế đó, việc nghiên cứu, phát triển và triển khai các hệ thống xác thực chữ ký viết tay tự động là một nhu cầu cần thiết và một sự lựa chọn đúng đắn. Các hệ thống này có ba ưu điểm lớn: (1) độ tin cậy (hay sự chính xác) của  quá trình xác thực các chữ ký tối thiểu phải bằng hoặc xấp xỉ với các chuyên gia phân tích chữ ký giả mạo, (2) có khả năng xác thực một số lượng lớn các chữ ký trong thời gian ngắn, (3) sự sẵn có của hệ thống có thể trang bị cho mọi đơn vị có nhu cầu.

Các lợi ích nổi bật về kinh tế - xã hội mà một hệ thống xác thực chữ ký viết tay tự động đem lại là điều dễ nhận thấy. Trước hết, hệ thống này giúp giảm thiểu đáng kể các hậu quả (cả về kinh tế, quân sự, chính trị, an ninh, …) có thể xảy ra do quá trình xác thực chữ ký viết tay thủ công gây ra. Không thể tránh khỏi các tình huống trong thực tế mà các chuyên gia giả mạo chữ ký cố tình tạo ra một chữ ký hợp lệ và sử dụng nó cho các mục đích xấu (ví dụ giả mạo chữ ký trên séc để rút tiền ngân hàng, giả mạo chữ ký của người đứng đầu một cơ quan, một tổ chức, một đơn vị để vụ lợi và thực hiện các hành vi bất chính, …), khi đó các thiệt hại xảy ra là không lường trước được. Hệ thống này cũng có thể được sử dụng hiệu quả cho các mục đích điều tra, phân tích bằng chứng trong các lĩnh vực an ninh, tòa án (giống như phân tích DNA). Trong đó, các chuyên viên tòa án hay điều tra viên đang phải đối mặt với tình huống chối bỏ chữ ký của chính người ký (ví dụ để trốn tránh trách nhiệm liên quan đến một sự việc nào đó). Sử dụng hệ thống này, họ có thể phân tích và đánh giá các bằng chứng trên chữ ký hiện tại để đi đến kết luận liệu chữ ký hiện tại có phải là một sản phẩm ký của người đang muốn chối bỏ. Trong các lĩnh vực khác liên quan đến tài chính, ngân hàng…, hệ thống này đảm bảo an toàn cho các giao dịch hàng ngày mà cần xác thực tính hợp lệ của chữ ký từ các khách hàng và các đối tác.

2. Kết quả đạt được

  • Giải nhất hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa (ThanhFOTEC), 22-09-2011.
  • Giải ba hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC), 15-04-2012.
  • Xếp hạng thứ 3 (trên 7 hệ thống tham dự) cuộc thi  xác thực chữ ký viết tay offline, trong khuôn khổ hội nghị quốc tế về phân tích ảnh tài liệu (ICDAR2011, 20-5-2011): "Signature Verification Competition for On- and Offline Skilled Forgeries - SigComp2011", http://forensic.to/webhome/afha/SigComp.html,

Một số kết quả từ cuộc thi SigComp2011:

Danh sách các đội tham dự:

 

 

Kết quả nhận dạng trên tập 2000 chữ ký Đức

 

3. Giao diện sản phẩm

 

 

 


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing