Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
QUY ĐỊNH Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai của trường Đại học Hồng Đức
Cập nhật lúc: 09:20 AM ngày 21/03/2013

(Ban hành theo Quyết định số 1138/QĐ-ĐHHĐ, ngày 30/9/2009 của Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức)

Căn cứ Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Qui định đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005,

Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức quy định đào tạo cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai tại trường Đại học Hồng Đức, như sau:

Điều 1. Qui định chung

1. Văn bằng đại học thứ hai là văn bằng cấp cho những người đã có ít nhất một bằng tốt nghiệp đại học, sau khi hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo đại học của ngành đào tạo mới, có đủ điều kiện để công nhận và cấp bằng tốt nghiệp đại học. 

2. Đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và nâng cao tính thích ứng của nguồn nhân lực trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. 

3. Đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai được thực hiện theo các hình thức: chính quy tập trung và vừa làm vừa học.

Điều 2. Điều kiện để học bằng đại học thứ hai

1. Công dân Việt Nam có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định; không trong thời gian can án hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã có một bằng tốt nghiệp đại học. 

2. Nộp đầy đủ và đúng hạn hồ sơ đăng ký dự tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT và qui định của trường.

3. Đạt yêu cầu tuyển sinh theo qui định của trường.

Điều 3. Hồ sơ đăng ký dự tuyển đào tạo bằng đại học thứ hai

1. Hằng năm nhà trường tổ chức 2 - 4 kỳ tuyển sinh đào tạo để cấp bằng đại học thứ hai theo quy định của Bộ GD&ĐT (tháng 3 - 4 và tháng 10 - 11). Ngành đào tạo, chỉ tiêu, đối tượng tuyển, thời gian thi, môn thi và nội dung thi tuyển sinh được thông báo trên kế hoạch tuyển sinh theo quy định của các kỳ tuyển sinh trong năm.

2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển bằng đại học thứ hai, gồm:

- Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu của trường);

- 01 bản sao công chứng bằng tốt nghiệp đại học;

- 01 bản sao công chứng bảng điểm toàn khoá;

- Giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có);

- 01 bản sao giấy chứng minh thư nhân dân;

- Giấy khám sức khoẻ;

- 03 phong bì có ghi địa chỉ liên hệ và dán tem;

- 04 ảnh 3 x 4.

Điều 4. Chương trình, thời gian đào tạo và bảo lưu kiến thức

1. Chương trình đào tạo bằng đại học thứ hai đối với từng ngành đào tạo là chương trình đào tạo hệ chính quy của ngành học đó đang được thực hiện đào tạo tại trường. 

2. Người học phải học và tích lũy đủ các học phần quy định có trong chương trình đào tạo của ngành thứ hai mà khi học ngành thứ nhất chưa được học hoặc đã học nhưng chưa đủ khối lượng quy định.

3. Thời gian đào tạo: nếu theo hình thức chính quy thì thời gian từ 2 đến 3 năm; nếu theo hình thức VLVH thì thời gian từ 2,5 đến 3,5 năm tuỳ theo ngành đào tạo.

4. Người học được bảo lưu kết quả học tập đối với những học phần trong chương trình đào tạo ngành thứ nhất có nội dung và số đơn vị học trình (hoặc tín chỉ) tương đương hoặc lớn hơn so với chương trình đào tạo của ngành thứ hai và điểm tích luỹ đạt từ 5 điểm trở lên. 

Điều 5. Tuyển sinh

1. Miễn thi tuyển sinh đối với các trường hợp sau:

a) Người đã tốt nghiệp đại học hệ chính quy tại trường đại học Hồng Đức có nhu cầu đăng ký vào học ngành đào tạo mới hệ chính quy hoặc hệ không chính quy trong cùng nhóm ngành.

b) Người đã có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên đăng ký vào học ngành đào tạo mới hệ không chính quy thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ.

- Người đã có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ đăng ký vào học ngành đào tạo mới hệ không chính quy thuộc nhóm ngành kinh tế.

Trong trường hợp số thí sinh đăng ký dự tuyển vượt quá chỉ tiêu đào tạo được giao, Hiệu trưởng tổ chức kiểm tra để tuyển đủ chỉ tiêu. Môn kiểm tra, nội dung, hình thức kiểm tra do Hiệu trưởng quy định.

2. Hình thức thi: Những người không thuộc diện miễn thi nêu tại điểm a và b khoản 1 Điều 5 có nhu cầu đăng ký học để lấy bằng đại học thứ hai phải thi hai môn thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương của ngành thứ 2 (môn thi cụ thể của từng ngành được thể hiện trong thông báo tuyển hàng năm).

3. Đối với đào tạo đại học văn bằng hai các ngành sư phạm:

a) Miễn thi tuyển sinh đối với các trường hợp sau:

- Miễn thi tuyển sinh đào tạo đại học sư phạm hệ chính quy đối với những người tốt nghiệp đại học hệ chính quy tại trường Đại học Hồng Đức có cùng khối thi tuyển sinh.

- Miễn thi tuyển sinh đào tạo đại học sư phạm không chính quy đối với người có bằng tốt nghiệp đại học chính quy cùng khối thi tuyển sinh.

- Miễn thi tuyển sinh đào tạo ĐHSP Tiếng Anh hệ VLVH đối với người có bằng tốt nghiệp đại học chính quy các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ.

b) Hình thức thi: Các trường hợp không thuộc diện miễn thi ở trên đều phải thi hai môn thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương của ngành thứ 2 (môn thi cụ thể của từng ngành được thể hiện trong thông báo tuyển hàng năm).

Điều 6. Tổ chức lớp và quản lý đào tạo

- Lớp đào tạo văn bằng đại học thứ hai của một ngành phải có số người học từ 40 trở lên (riêng lớp Ngoại ngữ 30). Nếu đã tổ chức tuyển sinh nhưng chưa đủ số lượng, nhà trường sẽ bảo lưu kết quả đối với những thí sinh trúng tuyển, chờ tuyển sinh bổ sung trong đợt tiếp theo để tổ chức lớp học.

- Hình thức tổ chức đào tạo được quy định cụ thể trong thông báo tuyển sinh.

- Phòng Đào tạo có trách nhiệm quản lý chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo, giám sát việc thực hiện các quy định về đào tạo.

- Các khoa căn cứ vào kế hoạch tuyển sinh, lịch trình tuyển sinh lập kế hoạch đào tạo của từng ngành do đơn vị quản lý trình Ban Giám hiệu phê duyệt qua phòng Đào tạo trước khi thi tuyển sinh ít nhất 30 ngày, tổ chức đào tạo theo nội dung, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo.

Điều 7. Quy trình tổ chức đào tạo văn bằng đại học thứ hai

1. Sau khi có Quyết định trúng tuyển và giấy báo nhập học, các khoa tổ chức tiếp sinh, kiểm tra, thu hồ sơ, văn bằng (bản chính) và các yêu cầu khác theo Giấy báo nhập học; lập danh sách theo các lớp ngành đào tạo, lập biên bản kiểm tra hồ sơ và chuyển hồ sơ về phòng Đào tạo. Phòng Đào tạo kiểm tra (có biên bản) trình Hiệu trưởng ban hành Quyết định công nhận sinh viên của trường, lưu giữ hồ sơ và chuyển lại cho khoa văn bằng (bản chính) để trả lại cho người học.

2. Quy trình tổ chức đào tạo văn bằng đại học thứ hai được quy định như đối với các lớp đào tạo chính quy hoặc vừa làm vừa học của hệ đào tạo tương ứng.

3. Từng học kỳ, các khoa có trách phân loại học tập và tổ chức thực hiện các quy định theo Quy chế đào tạo hiện hành (Quy chế 25 hoặc Quy chế 36, Quy chế 43).

4. Người học trong quá trình đào tạo có nhu cầu thôi học hoặc bỏ học vô lý do (01 tháng trở lên) các khoa quản lý đào tạo phải báo cáo (bằng văn bản qua phòng Đào tạo) để trình Hiệu trưởng ra quyết định xoá tên hoặc buộc thôi học theo quy chế.

Điều 8. Quyền lợi của người học

1. Người học được cung cấp Quy chế đào tạo, các thông tin về khoá đào tạo, thời gian, nội dung, chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo, hình thức thi kiểm tra, và những quy định của nhà trường.

2. Người học có quyền đề nghị nhà trường tạo các điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu học tập và có quyền phản ánh về người dạy, công tác quản lý,....

Điều 9. Trách nhiệm của người học

1. Người học phải thực hiện nghiêm túc Quy chế đào tạo và tuân thủ mọi quy định khác của nhà trường.

2. Khi được tuyển vào học, người học phải đóng học phí từng học kỳ vào tháng đầu của học kỳ theo quy định của nhà trường. Nếu không đóng học phí theo quy định, Nhà trường sẽ không công nhận kết quả học tập của học kỳ đó và buộc thôi học.

3. Trong quá trình học, nếu vì lý do chính đáng, người học không thể tiếp tục tham gia khoá học hoặc thi thì phải làm đơn, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo trình tự từ lớp, khoa và phòng Công tác học sinh-sinh viên, trình Hiệu trưởng quyết định.

Điều 10. Tổ chức thi kiểm tra, học tích luỹ

- Việc đánh giá học phần (tín chỉ), tổ chức thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ tương ứng của hình thức đào tạo cấp bằng đại học thứ hai.

- Những sinh viên chưa tích luỹ học phần sau số lần thi theo quy định, phải đăng ký học tích luỹ trong các kỳ do nhà trường tổ chức. Sinh viên làm đơn, khoa/bộ môn lập danh sách, làm dự toán kinh phí học tích luỹ chuyển về phòng Đào tạo và phòng Kế hoạch - Tài chính thẩm định; sau khi được duyệt, khoa xây dựng thời khoá biểu học tích luỹ gửi các đơn vị liên quan, phòng Đào tạo và tổ chức thực hiện.

 

Điều 11. Văn bằng tốt nghiệp

- Sinh viên học theo hình thức vừa làm vừa học (hệ tại chức cũ), thực hiện Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ vừa làm vừa học nếu đủ điều kiện tốt nghiệp được cấp bằng đại học thứ hai theo hình thức vừa làm vừa học.

- Sinh viên học theo hình thức tập trung tại trường, thực hiện Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính qui nếu đủ điều kiện tốt nghiệp được cấp bằng tốt nghiệp đại học chính qui.

Văn bằng tốt nghiệp đại học thứ hai ghi hình thức đào tạo “Văn bằng thứ hai” dưới dòng chữ Bằng tốt nghiệp đại học

Điều 12. Trách nhiệm của các khoa đào tạo

- Lập kế hoạch đào tạo toàn khoá, phân công giảng viên giảng dạy.

- Xếp thời khoá biểu, đề xuất lịch thi học phần.

- Quản lý nội dung, chương trình, kế hoạch dạy - học - thi, phân công GVCN lớp và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo.

- Quản lý toàn diện người học và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, nền nếp học tập, rèn luyện,... của người học trong thời gian học tập.

- Phân loại học tập từng học kỳ và thực hiện xét lên lớp, phân loại sinh viên hàng năm theo quy định, báo cáo Hiệu trưởng qua phòng Đào tạo.

- Tổ chức lễ khai giảng, lễ bế giảng và phối hợp với phòng Đào tạo để phát bằng theo quy định cho những lớp, khóa học.

Điều 13. Kinh phí đào tạo 

1. Kinh phí đào tạo bằng đại học thứ hai do người học hoặc cơ quan cử người đi học chịu trách nhiệm.

2. Việc thu, sử dụng học phí, kinh phí đào tạo thực hiện theo các qui định hiện hành của Nhà nước và của Nhà trường.

3. Mức đóng kinh phí đào tạo văn bằng đại học thứ hai được thực hiện theo quy định của nhà trường cho từng ngành đào tạo và theo đơn vị học trình hay tín chỉ. 

Điều 14. Điều khoản thi hành

Quy định này được thực hiện từ năm học 2009-2010.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc chưa hợp lý, các đơn vị đề nghị (bằng văn bản) qua phòng Đào tạo để Hiệu trưởng xem xét, điều chỉnh./.

 

 


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing

Các tin mới hơn:
  •  QĐ số 1757/QĐ-ĐHHĐ, ngày 27/10/2015 Quyết định về việc Quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên Đại học, Cao đẳng hệ chính quy chuyên ngữ và không chuyên ngữ tại Trường Đại học Hồng Đức.
  •  Thông báo thực hiện bảo lưu kết quả học tập và chuẩn đầu ra Tiếng Anh theo định hướng TOEIC đối với SV liên thông hệ chính quy
  •  Quyết định về việc ban hành Quy định tạm thời về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cố vấn học tập tại Trường Đại học Hồng Đức
  •  Quy định về công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ

  • Các tin cũ hơn:
  •  QUY ĐỊNH Về việc biên soạn, sử dụng tài liệu dạy học tại Trường đại học Hồng Đức
  •  QUY ĐỊNH Về chế độ thỉnh giảng tại trường đại học Hồng Đức (Ban hành theo Quyết định số 1137/QĐ-ĐHHĐ ngày 30/9/2009 của Hiệu trưởng trường ĐH Hồng Đức)
  •  QUY ĐỊNH thực hiện bảo lưu kết quả học tập của sinh viên và chuyển đổi phương thức đào tạo tại trường Đại học Hồng Đức (Ban hành theo Quyết định số /QĐ-ĐHHĐ ngày tháng 02 năm 2009 của
  •  Quy định Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai của trường Đại học Hồng Đức (Ban hành theo Quyết định số 1138/QĐ-ĐHHĐ, ngày 30/9/2009 của Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức
  •  Quy định số 234/QĐ-ĐHHĐ đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ