Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Nghiệm thu đề tài Khoa học Cấp bộ: ”Nghiên cứu biến đổi kinh tế- xã hội và đặc trưng văn hóa vùng đất Tây Đô từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX”
Cập nhật lúc: 03:50 PM ngày 09/08/2013
Sáng 19/07/2013, trường Đại học Hồng Đức (ĐHHĐ) đã tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ: ’’Nghiên cứu biến đổi kinh tế- xã hội và đặc trưng văn hóa vùng đất Tây Đô từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX”, do TS. Nguyễn Thị Thuý làm chủ nhiệm đề tài.

 

Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ được thành lập gồm 7 thành viên do GS.TSKH. Vũ Minh Giang, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội làm chủ tịch Hội đồng; TS. Mai Văn Tùng, trường ĐHHĐ làm thư ký. 

     

                            TS. Nguyễn Thị Thúy trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài           

Đề tài ”Nghiên cứu biến đổi kinh tế - xã hội và đặc trưng văn hóa vùng đất Tây Đô từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX” nhằm hướng tới mục tiêu: Chỉ ra sự biến đổi kinh tế - xã hội và đặc trưng văn hóa vùng đất Tây Đô từ khi trở thành kinh đô đất nước (thế kỷ XV) đến trước khi thực dân Pháp xâm lược. Qua đó, làm rõ mối quan hệ tương tác giữa việc xây thành, dời đô (thành Tây Đô) đến các mặt khác của đời sống xã hội vùng đất từng là trung tâm chính trị cả nước. 

Hội đồng nghiệm thu đã nghe chủ nhiệm đề tài trình bày ngắn gọn kết quả nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài, các thành viên trong hội đồng lần lượt đưa ra ý kiến nhận xét, trao đổi, góp ý cho đề tài. Hội đồng đã đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu của nhóm tác giả thể hiện trong quá trình làm việc. Đây là một đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, có tính hệ thống, không chỉ xác định được bản chất kinh tế và xã hội của vùng đất khu vực di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ mà còn lý giải được những mối quan hệ chằng chéo tác động qua lại giữa quá khứ và hiện tại. Bằng tiếp cận khu vực học, nghiên cứu đặc trưng văn hóa vùng đất Tây Đô từ hệ quả của mối quan hệ tác động qua lại giữa điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội, hoàn cảnh lịch sử và sự biến đổi cư dân. Qua đó đề tài đã làm rõ được Tây Đô là một vùng di sản văn hóa đặc sắc, đa dạng và mạng đậm dấu ấn văn hóa Chăm.

    

                                 Toàn cảnh buổi làm việc của Hội đồng nghiệm thu đề tài                     

Hội đồng thống nhất nghiệm thu đề tài và đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu khác sâu hơn và là nguồn tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà khoa học, cán bộ giảng viên và học viên, sinh viên nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam và Việt Nam học. Đề tài còn là nguồn tài liệu tham khảo môn học lịch sử địa phương, Kiến thức địa phương Thanh Hóa, Khu vực học cho sinh viên các ngành khoa học xã hội và là tài liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ.

                                                                                                      BBT website

 


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing