Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức - Chặng đường 15 năm phát triển
Cập nhật lúc: 10:39 PM ngày 03/04/2017
Cùng với sự ra đời và phát triển của trường Đại học Hồng Đức, khoa Khoa học xã hội (KHXH) - một trong những khoa đào tạo lớn nhất của nhà trường đến nay tròn 15 tuổi. 15 năm đối với sự phát triển của một khoa đào tạo đại học chưa phải là dài, nên những thành tựu mà CB, GV và SV khoa KHXH đã nỗ lực phấn đấu đạt được là rất đáng tự hào. (PGS.TS Hoàng Thanh Hải - Trưởng Khoa Khoa học Xã hội)

Ngày 24/9/1997, trường đại học đầu tiên của xứ Thanh mang niên hiệu đức vua Lê Thánh Tông - một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam - Đại học Hồng Đức ra đời. Đây là niềm tự hào, mong đợi bao năm của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa.

Là trường đại học đầu tiên theo mô hình trực thuộc địa phương của cả nước, lại của một tỉnh rộng lớn, đông dân, với gần 4 triệu người, có truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống hiếu học, khoa bảng lâu đời, trường Đại học Hồng Đức nhanh chóng trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm văn hóa lớn nhất của xứ Thanh và đến nay thực sự trở thành cánh chim đầu đàn trong số gần 40 trường đại học địa phương, từng bước vươn lên sánh vai với các trường Đại học lớn trong cả nước.

Cùng với sự ra đời và phát triển của trường Đại học Hồng Đức, khoa Khoa học xã hội (KHXH) - một trong những khoa đào tạo lớn nhất của nhà trường đến nay tròn 15 tuổi.

15 năm đối với sự phát triển của một khoa đào tạo đại học chưa phải là dài, nên những thành tựu mà CB, GV và SV khoa KHXH đã nỗ lực phấn đấu đạt được là rất đáng tự hào.

Những thành tựu đó trước hết bắt nguồn từ truyền thống đào tạo giáo viên THCS Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý của khoa gần nửa thế kỷ trước. 

    

  Tập thể cán bộ giảng viên Khoa Khoa học Xã hội năm học 2012 - 2013

 

1. Truyền thống đào tạo giáo viên THCS Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý gần nửa thế kỷ

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gian khổ, sự nghiệp giáo dục của đất nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng vẫn được duy trì, giữ vững. Nhu cầu giáo viên THCS của các huyện, thị rất lớn, nên có nhiều hệ đào tạo giáo viên THCS Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý, như hệ cấp tốc (6 tháng, 9 tháng), hệ 9 + 2, 7+ 3 miền xuôi, 7 + 3 miền núi, 10 + 1, 10 + 3 Xã hội. Trường Sư phạm 10 + 3 Thanh Hóa thời bấy giờ là một trong những trung tâm đào tạo giáo viên lớn, có uy tín nhất tỉnh và khu vực. Với 7 khóa 10 + 3, và các hệ đào tạo ngắn hạn trên, đã đáp ứng kịp thời lực lượng lớn giáo viên THCS các môn xã hội cho ngành Giáo dục tỉnh nhà

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nền giáo dục đại học- cao đẳng Việt Nam bước sang thời kỳ phát triển mới. Hầu hết các tỉnh đều thành lập trường CĐSP. Năm 1978, trường Sư phạm 10+3 Thanh Hóa được nâng cấp thành trường CĐSP Thanh Hóa. Khoa Văn -Sử cũng được hình thành và là một trong những khoa lớn, quan trọng của nhà trường. Ngoài các tổ Ngữ văn, Lịch sử, khoa còn có tổ Ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh). Cuối năm 1992, tổ Địa lý (từ khoa Hóa - Sinh - Địa) nhập về, tổ Ngoại ngữ tách thành khoa Ngoại ngữ, khoa Văn - Sử đổi thành khoa Xã hội.

Những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ XX, Trường CĐSP Thanh Hóa là một trong những trường CĐSP bề thế cả về quy mô đội ngũ GV, số lượng SV và chất lượng đào tạo. Trường có cả khoa đào tạo đại học đại cương, đã từng chủ trì biên soạn giáo trình CĐSP chung cho các trường CĐSP cả nước, đã từng thực hiện các chương trình NCKH lớn của tỉnh như “Nghiên cứu danh nhân Thanh Hóa”…Cùng với nhà trường, vượt qua những khó khăn của cuộc sống, những thay đổi của nhu cầu đào tạo, có lúc phải cho SV ra trường sớm 1 năm, có lúc phải đào tạo tại các huyện, lại có lúc phải tạm dừng tuyển sinh… khoa Xã hội vẫn không ngừng lớn mạnh.  Đội ngũ GV liên tục được tăng cường. Đầu năm học 1997-1998, năm học cuối cùng của trường CĐSP Thanh Hóa, trong hơn 40 GV của khoa, đã có 01 TS, 17 ThS. Số lượng SV những năm cao điểm lên tới hàng ngàn.

Sau gần 20 năm, khoa Văn - Sử, khoa Xã hội, trường CĐSP Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Với 23 khóa đào tạo hệ CĐSP, có lúc là ban Văn - Sử, Văn - Chính trị, Văn - Giáo dục công dân, Văn - Kỹ thuật, Văn - Anh văn…, rồi Sử- Chính trị, Sử - Giáo dục công dân, Sử - Địa, Địa - Sử, Địa - Giáo dục công dân, hàng chục ngàn giáo viên các môn KHXH đã trưởng thành từ chiếc nôi sư phạm này. Nhiều thầy cô giáo trở thành Trưởng, Phó các ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, là cán bộ quản lý giáo dục các huyện thị, các trường THCS…, là giáo viên giỏi cấp tỉnh, là nhà giáo ưu tú.

            Chặng đường gần nửa thế kỷ, từ các hệ đào tạo giáo viên ngắn hạn, đến 10+3, rồi CĐSP, từ khoa Văn - Sử đến khoa  Xã hội, đã tạo dựng, bồi đắp cho khoa truyền thống đào tạo giáo viên THCS. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để khoa vững bước sang trang sử mới - khoa đào tạo đại học

2. 15 năm xây dựng và phát triển (1997-2012)

Được thành lập từ khoa Xã hội của trường Cao đẳng sư phạm Thanh Hóa, phát huy truyền thống đào tạo giáo viên gần nửa thế kỷ, 15 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, sự giúp đỡ, hợp tác của các đơn vị bạn trong, ngoài trường, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể các thế hệ Thầy Cô giáo và SV, khoa KHXH đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các mặt chủ yếu sau:

  Thứ nhất, công tác đào tạo phát triển vững chắc

             Ngay từ năm học đầu tiên sau khi thành lập 1998-1999, thực hiện chủ trương của nhà trường là giảm dần các bậc cao đẳng, trung học, tăng bậc đại học, khoa đã tích cực nghiên cứu xây dựng chương trình, biên soạn bài giảng, giáo trình, chuẩn bị đội ngũ giảng viên và được chọn là đơn vị tổ chức đào tạo ngành đại học đợt đầu tiên: Đại học sư phạm (ĐHSP) Ngữ văn. Năm học sau đó, khoa đã tổ chức đào tạo đủ 3 ngành ĐHSP Ngữ văn, ĐHSP Lịch sử, ĐHSP Địa lý, cả hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học, hàng năm cung cấp cho nền giáo dục tỉnh nhà hàng trăm giáo viên trình độ đại học các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và đào tạo liên thông, nâng cao trình độ từ bậc cao đẳng lên đại học hàng trăm giáo viên THCS khác. Về chất lượng đào tạo, giáo sinh các ngành KHXH được các trường THCS và THPT đánh giá có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp tương tương các trung tâm sư phạm lớn của cả nước. Từ năm học 2002-2003, khi nhu cầu đào tạo giáo viên của Thanh Hoá giảm mạnh, khoa KHXH đã nhanh chóng nghiên cứu chương trình, thị trường, chuyển đổi một cách vững chắc sang đào tạo các ngành cử nhân khoa học. Đến nay, khoa đã đào tạo các ngành đại học Văn học, đại học Lịch sử (Định hướng quản lý di tích danh thắng, đại học Địa lý (định hướng Quản lý Tài nguyên môi trường) đại học Việt Nam học (định hướng Hướng dẫn viên Du lịch), đại học Xã hội học (định hướng Công tác xã hội), hệ chính quy. Liên tục 7 năm, từ 2005 đến nay, mỗi năm khoa tuyển sinh gần 500 sinh viên chính quy và gần 300 sinh viên hệ vừa làm vừa học của 8 ngành đào tạo nêu trên, đưa tổng số sinh viên của khoa lên hơn 2000, trở thành một trong 2 khoa có số lượng sinh viên đông nhất trường. Nguồn tuyển sinh cũng đã được mở rộng. Bên cạnh sinh viên là con em người Thanh Hoá là chủ yếu, từ năm học 2002-2003, mỗi lớp có hàng chục sinh viên các tỉnh từ Quảng Bình trở ra.

Năm học 2008-2009 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong công tác đào tạo, khoa được giao nhiệm vụ đào tạo bậc cao học đầu tiên: chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam. Đến nay, khoa đang tổ chức đào tạo 3 chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam, Văn học Việt Nam,  Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Ngữ văn và năm học tới là chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam, với số học viên từ 15-20 mỗi chuyên ngành hàng năm

Thực hiện Hiệp định hợp tác giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Hủa phăn (CHDCND Lào), từ cuối năm 2011, khoa KHXH bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ quốc tế mới, giảng dạy tiếng Việt cho học sinh Lào tại thị xã Sầm Nưa (Hủa phăn) 1 năm, trước khi các em trở thành sinh viên trường Đại học Hồng Đức. Từ năm học 2010-2011, mỗi năm có hàng chục SV Lào theo học các ngành đào tạo đại học của khoa

Bắt đầu năm học 2008-2009 đến nay, khoa đã thực hiện lộ trình chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang hệ thống tín chỉ. Năm học 2011-2012, khóa SV đầu tiên tốt nghiệp theo phương thức đào tạo này. Chất lượng toàn diện của SV đã nâng lên một bước, được xã hội chấp nhận. Qua điều tra các năm gần đây, gần 70 % SV đã có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp.

Như vậy, từ một khoa thời CĐSP, với nhiệm vụ đào tạo giáo viên THCS Văn, Sử, Địa, 15 năm qua, công tác đào tạo của khoa không ngừng mở rộng về quy mô ngành nghề và bậc đào tạo. Với đội ngũ giảng viên gần 80 người, trên 2000 SV, đang tổ chức đào tạo 4 chuyên ngành ThS, 8 ngành đại học, 4 ngành cao đẳng, khoa KHXH giống như “Trường đại học KHXH&NV thu nhỏ”.

Thứ hai, công tác nghiên cứu khoa học có những bứt phá mạnh mẽ

              NCKH là một trong hai nhiệm vụ chính, quan trọng của một giảng viên đại học. Ngay từ năm học đầu tiên, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, khoa đã chú trọng tổ chức các hoạt động NCKH, phát huy tiềm năng đội ngũ GV, điều kiện của địa phương, một tỉnh có truyền thống lịch sử- văn hóa hàng ngàn năm. Hoạt động NCKH được triển khai theo nhiều hướng, với mục tiêu chủ yếu là, nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy, để phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh, để xây dựng và phát triển đội ngũ… Từ khi Tỉnh thực hiện cơ chế mở rộng tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh (năm 2003) và Bộ cho phép nhà trường đăng ký, tuyển chọn đề tài cấp Bộ (2009) đến nay, cán bộ, giảng viên của khoa đã được tuyển chọn, chủ trì thực hiện 8 đề tài, nhiệm vụ khoa học lớn cấp tỉnh, 6 cấp Bộ.

Hằng năm, cán bộ, giảng viên trong khoa thực hiện 10-12 đề tài cấp trường, hướng dẫn 20-25 đề tài khoa học của sinh viên. Liên tục trong 5 năm gần đây, SV của khoa đều đạt giải chính thức SV nghiên cứu khoa học cấp Bộ, tài năng KH&CN trẻ cấp Bộ.

Cán bộ, giảng viên của khoa hằng năm cũng đã công bố từ 30-50 công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước. Trong 2 số chuyên đề: Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học Giáo dục và quản lý của Tạp chí khoa học trường đại học Hồng Đức, các bài viết của cán bộ, GV khoa KHXH đã và đang đóng vai trò nòng cốt. 18 số Tập san “Khoa học xã hội nhân văn và nhà trường” (Khi chưa có Tạp chí khoa học của nhà trường) đã phát hành, được đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên và bạn đọc trong, ngoài trường đón nhận, thực sự trở thành diễn đàn sinh hoạt học thuật bổ ích, chắp cánh cho nhiều giảng viên trẻ vững bước trên con đường khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và quảng bá cho thương hiệu, hình ảnh của khoa và nhà trường.

 Khoa đã chủ trì hoặc đóng vai trò chủ lực hàng chục hội thảo khoa học cấp trường, liên trường, tiêu biểu như các hội thảo: “Hoàng đế Lê Thánh Tông” (2002), “50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” (2004), “Tố Hữu - Thơ ca và cách mạng” (2005) “Thanh Hoá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” (2005), “Quốc triều hình luật - Giá trị lịch sử và đương đại” (2007), “Thanh Hóa với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” (2010)....

Hơn 30 giáo trình, tài liệu tham khảo do cán bộ, giảng viên của khoa chủ biên, hoặc tham gia biên soạn, đã được các nhà xuất bản trung ương như: Chính trị - Quốc gia, Giáo dục, Khoa học xã hội, Đại học sư phạm Hà Nội... xuất bản. Đặc biệt, nhiều cán bộ, giảng viên của khoa đã được tuyển chọn biên soạn các giáo trình đào tạo đại học và cao đẳng cho các dự án Phát triển giáo viên tiểu học, Đào tạo giáo viên THCS, Đào tạo giáo viên THPT…Nhiều giảng viên của khoa là hội viên hội Văn học - Nghệ thuật, hội Sử học, hội Văn nghệ dân gian, hội Dân tộc học và nhân học ...Việt Nam và Thanh Hoá. Một số chương trình khoa học lớn của tỉnh như biên soạn Địa chí Thanh Hoá tập 1, 2, 3 đều có sự đóng góp đáng kể của một số cán bộ, giảng viên khoa KHXH…

Có thể nói, trong những năm gần đây, khoa KHXH luôn là đơn vị dẫn đầu, đạt nhiều thành tích xuất sắc về công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường, đang dần khẳng định là một trung tâm nghiên cứu KHXH&NV lớn, có uy tín của Thanh Hóa.

Thứ ba, đội ngũ giảng viên lớn mạnh nhanh chóng về mọi mặt

              Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng viên đóng vai trò quyết định đến chất lượng đào tạo và phát triển của một trường đại học. Trong 15 năm qua, khoa KHXH đã tích cực, chủ động thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, đẩy mạnh việc giảng viên trong độ tuổi học tập nâng cao trình độ tại các trường đại học, viện nghiên cứu trung ương. Vì vậy, khoa KHXH nhanh chóng trở thành đơn vị có đội ngũ giảng viên đạt trình độ TS cao nhất trường. Nếu như năm học đầu tiên thành lập (1997-1998), khoa chỉ có 1 TS, thì đến nay (2012), trong số 75 GV của khoa đã có 1 PGS, 20 TS, 38 ThS ( trong đó có 16 đang nghiên cứu sinh trong và ngoài nước). Đội ngũ GV trẻ của khoa đã và đang tích cực chuẩn bị tiếng Anh để đi NCS và học cao học nước ngoài. Hiện nay đã có 1 ThS được đào tạo từ Hoa Kỳ, 1 ThS từ Trung Quốc trở về khoa công tác, 1 GV đang NCS tại Cộng hòa Pháp, 2 GV đang học ThS tại Singapore, 1 GV học ThS tại Trung Quốc, 2 GV học ThS tại Anh, 10 GV khác đã đủ trình độ tiếng Anh quốc tế, chuẩn bị đi NCS và học cao học và NCS tại các nước tiên tiến. Khoa cũng đã bồi dưỡng, giới thiệu cho các ban, ngành của tỉnh, Ban Giám hiệu và các đơn vị khác của nhà trường hàng chục cán bộ Lãnh đạo.

 Với những nỗ lực trên, đến năm 2015, khoa KHXH trở thành đơn vị đầu tiên của trường Đại học Hồng Đức đạt và vượt chuẩn về  trình độ đội ngũ GV theo quy định mới của Nhà nước.

            Thứ tư, công tác tổ chức quản lý đơn vị không ngừng đổi mới

             Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ khoa với trên 50 đảng viên, hệ thống chính trị của khoa không ngừng được củng cố vững mạnh, công tác tổ chức quản lý đơn vị không ngừng được đổi mới. Công đoàn bộ phận khoa KHXH thực sự trở thành “tổ ấm” của gần 80 công đoàn viên,  với nhiều hoạt động toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH và quản lý đơn vị, có những đóng góp quan trọng cho công đoàn trường. Liên Chi đoàn TNCSHCM, Liên Chi hội SV khoa KHXH với lực lượng đông đảo trên 2000 đoàn viên, đã có nhiều hoạt động đặc trưng của KHXH, thực sự là nơi hội tụ ý chí, nguyện vọng của SV, liên tục giành được những thành tích xuất sắc, dẫn đầu trong phong trào tuổi trẻ nhà trường. Chi hội Cựu chiến binh của khoa với hơn 10 hội viên, đã phát huy truyền thống “nhà giáo chiến sỹ”, có những đóng góp to lớn cho công tác quản lý đơn vị và các thành tích của Hội Cựu chiến binh nhà trường.

            Trong hơn 3 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012”, công tác tổ chức, quản lý từ các Bộ môn, đến khoa đã có những đổi mới, phù hợp với Điều Lệ trường Đại học và Luật Giáo dục đại học mới. Để mỗi bộ môn thực sự là một “pháo đài” quan trọng và phù hợp với yêu cầu phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo, các bộ môn của khoa được cơ cấu lại. Một số bộ môn mới ra đời. Các Trưởng bộ môn hầu hết có trình độ TS, là những nhà giáo có uy tín, kinh nghiệm trong chuyên môn và quản lý ngành, chuyên ngành đào tạo. Hiện nay khoa được tổ chức thành 8 bộ môn: Văn học Việt Nam, Lý luận văn học và văn học nước ngoài, Ngôn ngữ và Phương pháp dạy học ngữ văn, Lịch sử, Địa lý tự nhiên và môi trường, Địa lý kinh tế - xã hội và PPDH địa lý, Xã hội học - Công tác xã hội, Việt Nam học - Du lịch. Sinh hoạt chuyên môn học thuật của các bộ môn được coi trọng, có chất lượng hơn.  Ban Lãnh đạo khoa trong 3 khóa liên tục gần đây theo hướng trẻ hóa, gồm những GV có trình độ TS, được đào tạo cơ bản toàn diện về chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý giáo dục đại học     

            Với những thành tựu chủ yếu trên, sau 15 năm xây dựng và phát triển, khoa KHXH không chỉ là một khoa lớn mà còn là một khoa mạnh toàn diện trong 12 khoa đào tạo của trường Đại học Hồng Đức. 2 năm học liên tục gần đây: 2010-2011 và 2011-2012, khoa đã đạt danh hiệu Tập thể tiên tiến xuất sắc, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.           

3. Con đường đi lên phía trước

           Trong bối cảnh giáo dục đại học nước ta những năm tới có nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn, nhưng với truyền thống gần nửa thế kỷ đào tạo giáo viên THCS, 15 năm đào tạo đại học, chặng đường phía triển của khoa KHXH đến năm 2015, 2020 và những năm tiếp theo rất rõ ràng, sáng sủa:

            Thứ nhất, giữ vững và nâng cao chất lượng các ngành đào tạo đại học, cao đẳng đã có, tích cực chuẩn bị điều kiện mở thêm các ngành: Đại học du lịch, Đại học Công tác xã hội, Đại học Quản lý tài nguyên - môi trường…, các ngành Cao đẳng nghề: Hướng dẫn du lịch, Công tác xã hội…, tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng đào tạo 4 chuyên ngành thạc sỹ: Văn học Việt Nam, Ngôn ngữ Việt Nam, Lý luận và PPDH bộ môn Ngữ văn, Lịch sử Việt Nam, tích cực chuẩn bị điều kiện mở các chuyên ngành mới như: Lịch sử thế giới, Lý luận văn học, Văn học nước ngoài, Địa lý học…, tiến tới mở một số chuyên ngành đào tạo Tiến sỹ. Đào tạo sau đại học là một hướng phát triển đào tạo chính của khoa những năm tới.

            Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động NCKH của cán bộ, GV và SV, phấn đấu có những công trình khoa học tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

           Thứ ba, thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, phát triển đội ngũ GV, đảm bảo đúng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng bộ về cơ cấu, phấn đấu những năm tới có các GV được phong học hàm GS, PGS.

            Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác tổ chức, quản lý đơn vị, đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa.

            Kỷ niệm 15 năm thành lập khoa KHXH là dịp để mỗi Thầy, Cô giáo và Sinh viên nhìn lại chặng đường đã qua, khẳng định những thành tựu đã đạt được, phát huy những truyền thống tốt đẹp, khắc phục những tồn tại, phấn đấu đưa khoa KHXH trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu KHXH&NV lớn của Thanh Hóa và cả nước, tiến tới hội nhập với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới.                                                                                                                 

 

                                                                                                PGS.TS Hoàng Thanh Hải
                                                                                          (Trưởng Khoa Khoa học Xã hội)


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing