Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Trường ĐH Hồng Đức khai giảng lớp học tiếng dân tộc Mông cho cán bộ công chức huyện Mường Lát, sĩ quan quân đội, tri thức trẻ tình nguyện Đoàn 5 Kinh tế Quốc phòng.
Cập nhật lúc: 03:25 PM ngày 14/09/2016
8h30ph sáng ngày 13/9/2016, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa - Trường Đại học Hồng Đức đã phối hợp tổ chức Lễ Khai giảng lớp học tiếng dân tộc Mông cho cho cán bộ công chức huyện Mường Lát, sĩ quan quân đội, tri thức trẻ tình nguyện Đoàn 5 Kinh tế Quốc phòng tại Mường Lát, Thanh Hóa. Học tiếng và chữ dân tộc Mông là 1 yêu cầu quan trọng để cán bộ công chức, sĩ quan quân đội, tri thức trẻ tình nguyện tiếp thu những vấn đề cơ bản, trọng tâm về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Mông, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước “Cùng làm, cùng ăn, cùng ở với đồng bào dân tộc vùng biên giới”, ngoài ra còn giúp bảo tồn ngôn ngữ, phát huy và làm giàu thêm những giá trị văn hóa truyền thống và thực hiện tốt công việc chuyên môn.

 Thực hiện Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 24/3/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2016 trên địa bàn tỉnh Thanh hóa. Ngày 13/9/2016, tại Đoàn 5 Kinh tế - Quốc phòng xã Tén Tằn, huyện Mường Lát. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, tổ chức Lễ khai giảng lớp dạy tiếng Mông, chữ viết dân tộc Mông cho cán bộ công chức huyện Mường Lát, sĩ quan quân đội, tri thức trẻ tình nguyện Đoàn 5 KT-QP.

Dự lễ khai giảng có Đại tá Phạm Văn Luân - Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, về phía địa phương có đồng chí Lương Văn Thông - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Lát; bà Hà Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, về phía Đoàn 5 KT-QP có Đại tá Thiều Ngọc Vi - Chỉnh ủy, Đại tá Lê Thế Soái - Đoàn trưởng Đoàn 5, về phía trường Đại học Hồng Đức có Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - PTP Quản lý Đào tạo, thầy giáo Hơ Văn Tông - Nguyên PHT Trường Tiểu học Pù Nhi - Mường Lát, các thầy giáo giảng dạy tiếng dân tộc Mông cùng 50 học viên lớp tiếng dân tộc Mông.

Trong những năm qua, Trường Đại học Hồng Đức là một trong những đơn vị có uy tín, đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng và chữ dân tộc thiểu số như: tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Lào cho cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh. Xuất phát từ nhu cầu thực tế và nguyện vọng huyện Mường Lát trong việc dạy tiếng và chữ dân tộc Mông cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan quân đội, tri thức trẻ tình nguyện để không ngừng nâng cao chất lượng công tác giúp cán bộ, sĩ quan quân đội, tri thức trẻ tình nguyện hiểu được phong tục tập quán và có điều kiện thuận lợi hơn trong việc giao tiếp, làm việc và gần gũi với đồng bào dân tộc vùng biên giới phía Tây Thanh Hóa. Lớp học tiếng và chữ viết Dân tộc Mông ở Đoàn 5 KT-QP huyện Mường Lát Lần này được tổ chức trong thời gian 03 tháng với 50 học viên tham gia, các học viên sẽ được học tập, rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc viết tiếng dân tộc Mông và tham gia thực tế tại các bản người Mông trên địa bàn. Kết thúc khóa học Trường ĐH Hồng Đức sẽ tiến hành kiểm tra cấp chứng chỉ cho những học viên đạt yêu cầu, bảo đảm sau khóa học, các học viên có thể nghe, nói, đọc, viết tương đối thành thạo tiếng dân tộc Mông.

 

TS Đậu Bá Thìn - PTP QL Đào tạo công bố Quyết định thành lập lớp học tiếng dân tộc mông cho 50 học viên là cán bộ, sĩ quan, tri thức trẻ tình nguyện Đoàn 5 Kinh tế - Quốc phòng.

 

Đại tá Phạm Văn Luân - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa phát biểu chỉ đạo tại Lễ Khai giảng.

          Phát biểu tại Lễ khai giảng, Đại tá Phạm Văn Luân - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Lương Minh Thông - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Lát nhấn mạnh: Việc tổ chức dạy học tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, sĩ quan quân đội, tri thức trẻ tình nguyện công tác ở vùng biên giới phía Tây Thanh Hóa là chủ trương lớn của Đảng, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các đồng chí nhấn mạnh hiện nay nhiều người dân tộc Mông biết tiếng nói nhưng chưa biết sử dụng chữ viết của dân tộc mình. Bởi vậy, việc mở lớp học tiếng và chữ dân tộc Mông là cơ hội để cán bộ, sĩ quan quân đội, tri thức trẻ tình nguyện được học tập, tiếp thu những vấn đề cơ bản, trọng tâm về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Mông. Sau khóa học, các học viên không những biết sử dụng tiếng nói mà còn sử dụng được chữ viết của dân tộc Thái để bảo tồn ngôn ngữ, phát huy và làm giàu thêm những giá trị văn hóa truyền thống, mở rộng giao lưu, quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại Thanh Hóa.

Cũng tại buổi lễ này Đại tá Phạm Văn Luân - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa giao cho Đoàn 5 KT-QP quán triệt nội quy lớp học và phát động phong trào thi đua học tập và yêu cầu các học viên tham dự lớp học nghiêm túc thực hiện tốt nội, qui của lớp đã đề ra, tham gia học tập thật tốt để hoàn thành khóa học đạt kết quả cao nhất, lớp học sẽ góp phần bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mường Lát nói riêng và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung./.

Trần Lê Huy - Phòng Công tác HSSV.


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing