Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
TẠI SAO SINH VIÊN NÊN CHỌN NGÀNH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG?
Cập nhật lúc: 10:29 PM ngày 09/08/2016
Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường của Việt Nam đang trở nên bức xúc do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai.

        Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn. Các hoạt động này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đếnmôi trường đất, nước (nước mặt, nước ngầm) và không khí. Cộng đồng dân cư, nhất là các cộng đồng dân cư lân cận với các khu công nghiệp, đang phải đối mặt với thảm hoạ về môi trường. Họ phải sống chung với khói bụi, uống nước từ nguồn ô nhiễm chất thải công nghiệp... Từ đó, gây bất bình, dẫn đến những phản ứng, đấu tranh quyết liệt của người dân đối với những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, có khi bùng phát thành các xung đột xã hội gay gắt. Nhiều vụ ô nhiễm môi trường trong những năm gần đây của nước ta đã gây bức xúc không nhỏ trong dư luận, người dân sống gần khu vực ô nhiễm. Có thể điểm qua một số vụ ô nhiễm môi trường lớn như sau:

- Năm 2008 Cục cảnh sát môi trường và Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bắt quả tang Công ty Vedan đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải khoảng 5.000 m3/ngày chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Hoạt động này đã vi phạm nghiêm trọng cácquy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái sông và “giết chết” sông Thị Vải, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của các khu dân cư xung quanh. Ngày 6 tháng 10, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Vedan với tổng số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng.
- Ngày 14/4/2010 tại Công ty Tung Kuang (100% vốn Đài Loan) ở huyện Cẩm Giàng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an (C36) phát hiện vụ xả thải trái phép ra sông Ghẽ từ khu vực sản xuất khung nhôm định hình. Nước thải ra môi trường gồm nhiều hóa chất độc hại như Chrome 6 (cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép), mangan, sắt... có hàm lượng vượt quy định, vụ việc có tính chất nghiêm trọng như vụ Vedan xả thải ra sông Thị Vải (Đồng Nai). Công ty Tung Kuang cho biết nhờ việc xả trộm giảm được chi phí mỗi tháng 80-100 triệu đồng. Đây là khoản tiết kiệm giúp công ty tồn tại được sau suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặc dù có đề xuất khởi tố hình sự với lãnh đạo doanh nghiệp, tuy nhiên công ty này sau đó chỉ bị xử phạt 312 triệu đồng vì sai phạm trên. 
- Tháng 4/2011, Phòng cảnh sát Phòng chống Tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Khánh Hòa bắt quả tang Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin (HVS) đang xả chất thải lỏng chưa qua hệ thống xử lý ra vịnh Vân Phong. HVS là liên doanh giữa Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Trong quá trình kiểm tra tại HVS, lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện tại khu vực nhà ăn số 4 (sử dụng cho khoảng 1.000 công nhân), không có hệ thống xử lý chất thải. Toàn bộ chất thải từ nhà ăn, kể cả của nhà vệ sinh (hầm cầu) đều xả thẳng ra biển tại bờ cảng số 3. Theo tính toán, lượng chất thải bẩn thải ra biển là 25m3 mỗi ngày đêm. Chất thải lỏng của nhà máy gây hôi thối nặng nề một vùng biển, làm cá và các sinh vật biển khác chết hàng loạt, loài ruốc biển biến mất, ngư dân mất luôn nghề đánh bắt truyền thống..
- Tháng 8/2011, sau khi mai phục và theo dõi, Cảnh sát môi trường đã ập vào kiểm tra đột xuất Nhà máy xử lý nước thải Sonadezi thì phát hiện nước trong hồ sinh thái (để xử lý nước thải) chảy ra rất hôi thối, có màu đen ngòm.Nhà máy này có công suất xử lý nước thải khoảng 100.000 m3 một ngày đêm, thu gom nước thải của 65/66 công ty trong khu công nghiệp (chủ yếu là dệt và nhuộm) để xử lý qua các bể khử trùng hồ tập trung, hồ hoàn thiện. Theo quy trình, nước thải đổ về hồ sinh thái, sau khi đạt chuẩn mới cho ra rạch Bà Chèo, đổ vào sông Đồng Nai. Song khi cơ quan chức năng kiểm tra, nước thải chưa được xử lý tại nhà máy đang đổ trực tiếp ra môi trường.Công ty này sau đó bị xử phạt 405 triệu đồng cùng yêu cầu khắc phục một số hậu quả. 
- Tại Thanh Hóa vào năm 2014, Cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt việc chôn lấp hóa chất bảo vệ thực vật củaCông ty CP Nicotex Thanh Thái với khoảng 949 tấn chất thải và đất nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, để lại những hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm nguồn nước, gây độc cho người và các loại động vật, làm mất cân bằng tự nhiên, suy giảm đa dạng của sinh động vật, xuất hiện nhiều loại dịch hại,..
Gần đây là vụ Nhà máy Mía đường Hòa Bình - Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình xả thải ra sông Bưởi (Thanh Hóa) gây nên tình trạng cá chết hàng loạt mấy ngày qua. Tính đến chiều 6/5/2016, ngoài cá sinh sống trong môi trường tự nhiên, đã có gần 7 tấn cá nuôi tại các lồng bè trên sông Bưởi của người dân các xã Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Mỹ (huyện Thạch Thành) bị chết.
- Ngày 1/12, Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Kon Tum đã tiến hành kiểm tra và bắt quả tang Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Fococev, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đang xả nước thải sản xuất có màu đen và bốc mùi hôi thối ra sông Pô Kô. Với phương thức lợi dụng khu vực tiếp giáp sông Pô Kô, ít dân cư qua lại, địa hình đồi dốc, Nhà máy đã sử dụng hai ống nước dùng để xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái sông và người đân sống quanh khu vực của sông.
- Gần đây nhất vào tháng 4/2016, khoảng 80 tấn hải sản chết bất thường, dạt vào bờ biển miền Trung, lan rộng từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Trong đó, Hà Tĩnh từ 10 - 15 tấn;Quảng Bình gần 25 tấn; Quảng Trị gần 30 tấn; Thừa Thiên Huế khoảng 6000 con. Sự việc sau đó được điều tra, làm rõ, Công ty Formosa chính là thủ phạm khi thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đây là sự cố môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam. Formosa cam kết bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD). Sau đó vào tháng 7/2016, Formosa tiếp tục bị phát hiện chôn lấp chất thải trái phép tại đồi Con Trò, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh và Công viên Xanh, bãi rác Kỳ Tân. Đơn vị nhận vận chuyển, xử lý là Công ty Kỳ Anh hiện đang trong quá trình điều tra của Công an Hà Tĩnh.
        Từ các vụ vi phạm môi trường nêu trên, có thể thấy chúng ta còn nhiều hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng,các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lí, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất dường như vẫn mang tính hình thức, hiện tượng “phạt để tồn tại” còn phổ biến. Đặc biệt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế; phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, trong nhiều trường hợp, đoàn kiểm tra không thể phát hiện được những thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường.
        Để có thể làm tốt công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như có thể đưa ra các phương án, vận hành tốt các hệ thống về xử lý môi trường đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về môi trường: luật pháp, chính sách đặc biệt là có kĩ năng, trình độ chuyên ngành về công nghệ xử lýkhí thải, nước và nước thải, xử lý đất và chất thải rắn, xử lý chất thải nguy hại. Ngoài ra còn cần phải có các kiến thức, kỹ năng liên quan như tổng hợp vật liệu xử lý ô nhiễm, phân tích môi trường, khả năng khảo sát, phân tích và đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường; xây dựng quy trình công nghệ trong việc xử lý chất thải, giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ, cải tạo môi trường; thiết kế, vận hành và kiểm soát quá trình và các hệ thống kiểm soát, xử lý và tái sử dụng chất thải.
       Vì vậy, xuất phát từ các yêu cầu thực tế trên, việc theo chọn học ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường có ý nghĩa quan trọng, thiết thực hiện nay. Ngành sẽ đào tạo cho sinh viên đầy đủ kiến thức về môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, biết phân tích và giải quyết vấn đề liên quan đến môi trường, kĩ thuật môi trường, các sự cố ô nhiễm môi trường,…
       Hiện nay bất cứ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu nào,… cũng đều cần có các chuyên gia, cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực môi trường, đây cũng là xu thế ngành nghề tương lai khi mà công tác bảo vệ môi trường đang dần trở nên quan trọng, bắt buộc của mỗi quốc gia. Do đó, sinh viên theo học ngành này có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể sẽ làm ở những vị trí như: Thiết kế và vận hành hệ thống xử lý chất thải, Quan trắc và phân tích các chỉ tiêu môi trường, Tư vấn và lập các báo cáo về Bảo vệ môi trường như ĐTM, CM, CDM, Xây dựng các quy trình Giám sát An toàn-Sức khỏe-Môi trường (HSE), ISO, OHSAS,… Làm việc trong khu công nghiệp, các Nhà máy xử lý chất thải, các Trạm quan trắc môi trường, các Công ty tư vấn về môi trường, các Trường đại học, các Viện nghiên cứu và các cơ quan nhà nước chuyên trách về bảo vệ môi trường như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh, Sở Y tế, Sở Công thương,… các nhà máy có hệ thống quản lý môi trường và an toàn lao động.
            Chúng ta hãy nhớ rằng khi được trang bị và có đầy đủ những kiến thức về môi trường, chúng ta sẽ hạn chế được những vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng trong thời gian qua, có kế hoạch giám sát, vận hành, phương án xử lý phù hợp với các vấn đề môi trường phát sinh. Nhưng trên tất cả chúng ta đã góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường của đất nước, có trách nhiệm với chính tương lai của chúng ta và con cháu chúng ta!
                                                                                                          Tin bài: ThS. Lê Sỹ Chính, Khoa KTCN
 

  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing