Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Tăng cường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên trong giai đoạn hiện nay
Cập nhật lúc: 01:58 PM ngày 25/03/2013
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dành cho thanh niên những tình cảm nồng nàn nhất, Người đặt rất nhiều kỳ vọng vào thanh niên, vào thế hệ tương lai của đất nước.

 

Trước lúc đi xa, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. (1)
 
Nhờ sự quan tâm, chăm lo giáo dục và rèn luyện thế hệ trẻ về mọi mặt của Đảng mà thanh niên ta đã không quản hy sinh gian khổ, luôn xứng đáng với niềm tin cậy của Bác, viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc. Tuy nhiên, ngày nay trong hoàn cảnh mới, trong dòng xoáy của giai đoạn thị trường hóa về kinh tế, bên cạnh mặt tích cực làm năng động hóa sản xuất và đời sống; chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng... gắn với mặt trái của cơ chế thị trường cũng có cơ hội trỗi dậy. Việc giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ cách mạng kế tục đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.
 
Nói tới việc giáo dục thanh niên là nói tới việc đào tạo lực lượng thanh niên thành những người kế tục có đầy đủ đức và tài, trong đó đạo đức cách mạng làm nền tảng. Bác Hồ đã dạy “chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng”(2). Có thể nói, “đức” là những phẩm chất của người cách mạng. Nếu không có những phẩm chất đó, không có tính chính trị rõ ràng của người chiến sĩ cách mạng thì chắc chắn không thể làm cách mạng được. Vì thế, trong tác phẩm Đạo đức cách mạng viết năm 1958, Bác viết “sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(3).
 
Trong lịch sử loài ngoài có rất nhiều quan niệm, học thuyết về đạo đức khác nhau nhưng có thể nói “đạo đức cách mạng” của Bác Hồ chính là cuộc cách mạng trong vấn đề đạo đức, nó hàm chứa tất cả đạo đức của con người, tính giai cấp, lý tưởng cộng sản, những phẩm chất của người lãnh đạo, người chiến sĩ... Ở đó, cái riêng và cái chung hòa quyện, thống nhất với nhau. Mặc dù, đạo đức cách mang là ở bất kỳ cương vị nào, bất kỳ công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng, một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng CNXH bằng tất cả khả năng của mình nhưng chính từ cái lợi ích chung đó mà lợi ích riêng được thỏa mãn. Đó là cơ sở lợi ích mà chúng ta đấu tranh.
 
Đạo đức cách mạng trở thành cơ sở để phát huy tài năng cá nhân; mặt khác, tài năng phải phục vụ cho cái chung chứ không phải chỉ cho cái riêng cá nhân mình. Nghĩa là, người cách mạng phải hòa cái lợi ích riêng vào lợi ích chung, không sa vào chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì, chủ nghĩa cá nhân, là kẻ thù của đạo đức cách mạng, của CNXH và cũng là kẻ thù của mỗi con người, làm tha hóa con người, làm cho con người trở nên thấp hèn, ích kỷ. Nó là nguyên nhân đẻ ra tất cả tính hư, nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Như vậy, đạo đức cách mạng là cái gốc, vô cùng quan trọng, nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài năng đến đâu cũng vô dụng.
 
Bác cũng nói rõ: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức mà không có tài ví như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai” (4). Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức là người vô dụng. Trong mối quan hệ giữa “đức” và “tài” là không thể tách rời nhau, thanh niên cần phải vừa có “đức” vừa có “tài”. Bác luôn đề cao “đức” nhưng “đức” và “tài” phải hòa quyện, bổ sung cho nhau. Muốn có đạo đức cách mạng, phải thông qua rèn luyện, lao động sản xuất và đấu tranh giai cấp cũng như trong hoạt động thực tiễn... “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(5).
 
Tài phải được nảy sinh và phát triển nên nền tảng có “đức”. Đó là chuyên môn giỏi để thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng. Bác đã dạy không chỉ đảng viên, cán bộ mà tất cả thanh niên, trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành đó, chẳng những phải thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của đất nước trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng.
 
Như vậy, đào tạo cho thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” cũng là đào tạo thanh niên vừa có “đức” vừa có “tài”. Không những phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta như: lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, lòng nhân ái bao dung, “tôn sư trọng đạo”, thủy chung mà còn phải rèn luyện và phát huy hơn nữa “đạo đức cách mạng”, chống chạy theo chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cá nhân, không kiêu căng tự mãn, chống lại bệnh lãng phí xa hoa. Trong sinh hoạt cần phải thực hiện một cách nghiêm túc tự phê bình và phê bình để thanh niên giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
 
Mặt khác, thanh niên phải học tập, nghiên cứu và quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Kiên định lập trường giai cấp công nhân, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới đất nước, với ý chí và quyết tâm đi theo con đường mà Bác Hồ và Đảng đã chọn lựa, đó là xây dựng thành công CNXH, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đang quyết tâm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2015 tỉnh ta đạt mức thu nhập bình quân của cả nước và đến năm 2020 trở thành tỉnh tiên tiến, góp phần cùng cả nước phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Muốn đạt được mục tiêu đó phải dựa trên tổng thể các nguồn lực: tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất, nguồn vốn, nhân lực... Trong đó, nguồn nhân lực giữ vị trí và vai trò trung tâm của tổng thể các nguồn lực, là yếu tố cơ bản, động lực của sự phát triển bền vững. Phát huy yếu tố nguồn nhân lực chính là phát huy nội lực, nội sinh của dân tộc, của đất nước mà nguồn nhân lực được xây dựng chủ yếu là do lực lượng thanh niên, vì thanh niên là nguồn bổ sung quan trọng vào nguồn trí lực, sức lực phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH.
 
Do đó, kế tục sự nghiệp xây dựng CNXH thanh niên cần tự giác rèn luyện, tự giác học tập, chuyên cần chăm chỉ, học đi đôi với hành. Mặt khác, cần phải tiếp thu những thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, những tinh hoa văn hóa của nhân loại, để vận dụng một cách khoa học và sáng tạo trong đời sống xã hội nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình CNH, HĐH; giữ vững và rèn luyện kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp... Đây là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và cũng là nhiệm vụ lâu dài để thực hiện thành công CNHX.
                                                                                        Đỗ Trọng Hưng

                                                                                  Ủy viên Ban Thường vụ,
                                                                              Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh

 


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing