Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Trường Đại học Hồng Đức lọt vào top 50 ý tưởng trong ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019
Cập nhật lúc: 07:03 PM ngày 06/10/2019
Trong hai ngày 4 và 5/10/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị đồng hành tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019 (SV-STARTUP 2019) tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trường Đại học Hồng Đức vinh dự có 01 ý tưởng lọt vào top 50 ý tưởng tham dự chung kết cuộc thi.

 SV-STARTUP 2019 được tổ chức với mục đích thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của học sinh, sinh viên (HSSV); tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích thiết thực, hiệu quả đối với HSSV trong cả nước và giao lưu, học tập kinh nghiệm, triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, giúp các dự án khởi nghiệp của HSSV kết nối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư...

SV-STARTUP 2019 đã đạt được một số kết quả cụ thể. Đó là gia tăng số lượng dự án, số lượng trường đại học và các sở GDĐT tham gia trưng bày triển lãm tại SV-STARTUP 2019; tăng sự thu hút của cộng đồng HSSV toàn quốc thông qua cuộc thi SV-STARTUP 2019; thêm nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư quan tâm tham gia hỗ trợ các dự án.

Không gian ý tưởng khởi nghiệp của SV-STARTUP 2019 thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ; kinh doanh; giáo dục, y tế, dịch vụ; nông, lâm, ngư nghiệp; kinh doanh tạo tác động xã hội... Tổng số dự án tham gia trưng bày khoảng 80 dự án (được lựa chọn từ gần 300 ý tưởng, dự án gửi đến Ban tổ chức) đến từ 40 trường đại học và 18 sở GDĐT.

Trong khuôn khổ SV-STARTUP 2019 còn có các sự kiện: “Diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HSSV: Kinh nghiệm từ các doanh nhân khởi nghiệp”; Hội thảo “Định hướng trường đại học khởi nghiệp: Mô hình nào cho các trường đại học tại Việt Nam”; Hội thảo “Công tác hỗ trợ học sinh khởi nghiệp trong các trường phổ thông, kinh nghiệm và giải pháp”. Những sự kiện này góp phần bổ sung thêm kiến thức cho học sinh, sinh viên và tiếp lửa trên con đường khởi nghiệp.

Chung kết cuộc thi SV-STARTUP 2019 được chia thành hai vòng Đối đầu và Phản biện, để tạo thêm kịch tính cho các đội tham dự. Cuộc thi đã được tổ chức với quy mô trên toàn quốc, có hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, phổ thông trung học trong toàn quốc tham gia, tiếp cận được trên 200.000 HSSV. Cuộc thi được phát động từ tháng 6-9/2019, đã nhận được gần 300 bài dự thi. Số lượng bài thi mà Ban tổ chức nhận được khá chất lượng, đa dạng, tập trung vào tất cả lĩnh vực: công nghệ, giáo dục, y tế, xã hội... Có nhiều dự án đã được các bạn HSSV triển khai và bước đầu đã có thành công, nhiều dự án đã được triển khai và chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nhiều nhà đầu tư, quan tâm đến các dự án này.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

 

“Chúng ta có hài lòng ở trong bẫy thu nhập trung bình không? Chắc chắn là không. Vì vậy, phải phát huy tất cả mọi sức mạnh để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn nếu huy động được nguồn lực trong dân còn rất lớn, giải quyết được vướng mắc trong kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, cần kết hợp được sức mạnh dân tộc (truyền thống, con người…) với sức mạnh thời đại, trong đó có sự phát triển như vũ bão của khoa học, bằng việc tập trung thật sự vào khoa học, vào nguồn nhân lực để khơi dậy sự sáng tạo của mọi người, trước hết là trong giới nghiên cứu, nhất là nhà khoa học trẻ, sinh viên. Đây cũng là những vấn đề đặt ra trong Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh mục đích chính của đề án là trang bị các kiến thức cần thiết cho học sinh, sinh viên về khởi nghiệp. Đồng thời kết nối tất cả các trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Quan trọng nhất là đề án phải khơi dậy, rèn luyện tinh thần khởi nghiệp trong các trường học.
“Chúng ta đang đổi mới giáo dục, một trong những vấn đề rất căn bản là đổi mới phương pháp dạy và học. Trước đây ở cả đại học lẫn phổ thông chúng ta chú trọng phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều, thụ động. Bây giờ trường đại học cần đặt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra tri thức lên trên. Trường phổ thông phải khơi dậy sự sáng tạo của giáo viên, học sinh để hình thành một lớp người biết sáng tạo, dám nghĩ khác, làm khác trong khoa học”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh nhiều cơ chế, chính sách về khởi nghiệp sáng tạo đã được ban hành, triển khai, nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo tất cả các trường đại học phải có ít nhất 1 không gian làm việc sáng tạo chung (co-working space). “Hiện có khoảng 70 điểm co-working space trong các trường đại học nhưng chúng ta đâu chỉ có 70 trường đại học, chưa kể các trường nghề. Đây sẽ là những “chân rết” hình thàng mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo của các trường đại học”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, các trường đại học, các thầy cô giáo cần tham gia tích cực hơn nữa vào việc biên soạn và chia sẻ các học liệu lên trên mạng. Đó là sự đóng góp hữu ích nhất cho các bạn sinh viên khởi nghiệp được tiếp cận, thụ hưởng học liệu chất lượng nhất của những thầy giỏi nhất ở những trường tốt nhất. Và các đồng nghiệp, thầy cô giáo khác cũng nhìn vào đấy để cùng nhau phấn đấu.
“Đã có sự kết nối giữa các trường với nhau, với doanh nghiệp, các bộ ngành để hỗ trợ sinh viên, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo nhưng chúng ta phải tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa.

Chăm chỉ, quyết tâm và nhất định phải sáng tạo. Sáng tạo là của cá nhân nhưng kết nối với nhau thì càng có ý nghĩa lớn hơn và cổ vũ thêm nhiều sáng tạo mới. Chỉ có kết nối cùng nhau thì mới tạo ra sức mạnh lớn, để cả đất nước đi nhanh hơn”, Phó Thủ tướng kêu gọi.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tham quan

các gian trưng bày và kích lệ tinh thần khởi nghiệp của các bạn học sinh, sinh viên. 

 

Kết quả chung khảo, ở khối sinh viên, Ban tổ chức đã tìm ra ngôi vị quán quân với giải thưởng 100 triệu đồng thuộc về dự án "Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục" của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Giải nhì thuộc về hai dự án: “Sản phẩm cao cấp từ hoa thanh long”, Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và dự án "Hệ sinh thái Open Lab", Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

 

Ở Khối học sinh phổ thông, giải nhất thuộc về dự án “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nano Resveratrol của học sinh trường THCS & THPT Quốc tế Thăng Long, Trường THPT Phan Đình Phùng, THPT Việt Đức - Hà Nội; giải nhì thuộc về dự án "Sản xuất, kinh doanh màng bọc thực phẩm đa năng thân thiện thay thế túi nilong" của Trường THPT Nguyễn Khuyến, Nam Định.

Một số hình ảnh của sinh viên trường Đại học Hồng Đức tại ngày hội 

Tin, bài: Lê Hữu Giang Nam- CV Phòng Công tác HSSV

 


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing