Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Bộ môn Văn học Việt Nam
Cập nhật lúc: 01:20 PM ngày 04/06/2017

 BỘ MÔN VĂN HỌC VIỆT NAM

                                                       TS. Trần Quang Dũng (Trưởng bộ môn)

 

Bộ môn Văn học Việt Nam sau 20 năm trưởng thành và phát triển đã trở thành một trong những bộ môn có vị trí tiên phong, quan trọng về đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ, năng lực giảng viên của Khoa khoa học xã hội và trường Đại học Hồng Đức.

Hiện tại Bộ môn có 10 giảng viên, trong đó có 03 PGS.TS (Lê Tú Anh, Hoả Diệu Thúy, Mai Hồng Hải); 03 TS (Trần Quang Dũng, Nguyễn Thị Huệ, Lê Thị Hiền); 02 NCS (Lê Thị Nương, Mỵ Quỳnh Lê) và 02 Th.S chuyên ngành (Vũ Ngọc Định, Nguyễn Thị Quế).

Về công tác giảng dạy, Bộ môn phân chia thành 03 nhóm chuyên môn: Văn học dân gian, Văn học trung đại (bao gồm cả Hán Nôm) và Văn học hiện đại. Các nhóm chuyên môn vừa có sự nghiên cứu, giảng dạy và sinh hoạt học thuật độc lập, vừa được đặt dưới sự quản lý chung, trực tiếp của Bộ môn nên đã phát huy được tối đa sự chuyên sâu của các chuyên ngành giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài việc đào tạo các hệ đại học chuyên ngành: ĐHSP Ngữ văn, ĐH Ngữ văn, ĐH Văn học, từ năm 2010 đến nay Bộ môn đã đào tạo được 07 khóa thạc sĩ chuyên ngành văn học Việt Nam, trong đó có 05 khóa đã tốt nghiệp. Đặc biệt từ năm học 2015, Bộ môn đã được Bộ giáo dục phê duyệt cho phép đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam, và đến nay đã có 02 khóa đang đào tạo.

Bộ môn đảm nhận một khối lượng học phần, môn học giảng dạy rất lớn cho các ngành, chuyên ngành, các hệ đào tạo của Khoa và Nhà trường: Văn học dân gian, Văn học trung đại, Văn học hiện đại, Lịch sử văn học, Tiến trình văn học, Hán Văn, Hán Nôm… (Hệ Đại học); Thơ Nôm Đường luật, Loại hình tác giả văn học trung đại, Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, Quá trình hiện đại hóa văn học 45 năm đầu thế kỷ XX, Sự vận động của văn xuôi từ 1945-1975, Đổi mới văn học sau 1975… (Hệ Cao học); Những cuộc cách tân thơ VN, Nghiên cứu văn học VN từ góc độ văn hóa, So sánh văn học và việc vận dụng nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, Vận dụng lý thuyết phương Tây vào nghiên cứu văn học VN, Văn học VN trong bối cảnh toàn cầu hóa; Một số vấn đề cơ bản về văn học VN đương đại,... (Hệ Tiến sĩ). Tất cả trí tuệ, tài năng và phẩm chất nhà giáo của giảng viên trong Bộ môn đều được phát huy để đảm bảo yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo của Khoa và Nhà trường trong xu thế hòa nhập với các trường Đại học trong nước và trong khu vực.

Về công tác nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên trong Bộ môn đã và đang thực hiện hoặc phối hợp thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp Quốc gia, cấp Bộ và cấp Tỉnh (Lê Tú Anh, Mai Hồng Hải, Hoả Diệu Thúy, Trần Quang Dũng). Đề tài khoa học cấp cơ sở cũng được giảng viên trong Bộ môn thực hiện hàng năm theo sự phê duyệt của Khoa và Nhà trường. Tất cả các giảng viên trong năm học đều có từ 02 bài báo trở lên đăng trên các Tạp chí khoa học chuyên ngành; nhiều giảng viên đã công bố những sách chuyên khảo và giáo trình để phục vụ cho công tác giảng dạy ở các hệ đào tạo. Giờ vượt chuẩn định mức khoa học của Bộ môn trung bình đạt trên 200%. Bộ môn còn là đơn vị nòng cốt cho hầu hết các cuộc Hội thảo khoa học về lĩnh vực văn hóa – văn học & nhân văn cấp Quốc gia, liên trường Đại học, cấp Tỉnh, cấp Trường...

Về công tác tự bồi dưỡng và các hoạt động khác, Bộ môn còn 02 giảng viên có trình độ thạc sĩ và đã có kế hoạch đi học NCS vào năm học tới, phấn đấu đến năm học 2022-2023, 100% giảng viên trong Bộ môn đều có trình độ Tiến sĩ và có thêm giảng viên được phong hàm PGS.

Hai mươi năm – chặng đường phát triển và tuổi đời của một trường Đại học, một khoa đào tạo và một bộ môn chuyên môn chưa phải là dài, nhưng những thành công đã đạt cho sự nghiệp giáo dục của Tỉnh nhà và cả nước của Trường Đại học Hồng Đức, Khoa khoa học xã hội và Bộ môn văn học Việt Nam là rất đáng trân trọng, tự hào. Tuy nhiên, trước yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay, những thách thức của cơ chế thị trường... các thế hệ giảng viên của Bộ môn văn học Việt Nam đã ý thức rất rõ những thuận lợi và cả không ít những khó khăn đã và đang được đặt ra, từ đó có những định hướng linh hoạt và phù hợp hơn trong xu thế hòa nhập và phát triển cùng với Khoa và Nhà trường ở những thập kỉ thiếp theo.            

        

 Bộ môn Văn học Việt Nam (Ảnh chụp năm 2017)

 


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing