Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Quy định thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung và nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong trường Đại học Hồng Đức
Cập nhật lúc: 12:21 PM ngày 16/12/2013
(Kèm theo Quyết định số 1874/QĐ-ĐHHĐ ngày 06/11/2013 của Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức)

 

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng cho công chức, viên chức được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ được quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và lao động hợp đồng làm việc trong trường Đại học Hồng Đức.

Điều 2. Chế độ nâng lương thường xuyên

Công chức, viên chức, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, trong chức danh nghề nghiệp viên chức thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên trong suốt thời gian giữ bậc lương như sau:

1. Điều kiện thời gian giữ bậc trong chức danh:

a) Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên:

- Đối với các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;

- Đối với các chức danh có yêu cầu trình độ từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

b) Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

- Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Thời gian được cấp có thẩm quyền cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát  ở trong nước và ở nước ngoài, nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

c) Thời gian không được tính để xét nâng lương thường xuyên, gồm:

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

- Thời gian đi học tập, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cấp có thẩm quyền quyết định;

- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

Tổng các loại thời gian không được tính để xét nâng lương thường xuyên được tính tròn tháng, nếu có thời gian lẻ không tròn tháng thì được tính như sau: Dưới 11 ngày làm việc (không bao gồm các ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động) thì không tính; từ 11 ngày làm việc trở lên tính bằng 1 tháng.

2. Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên:

Công chức, viên chức thuộc đối tượng áp dụng tại Khoản 1 Điều này này có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong chức danh và đạt đủ 2 tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên:

a)  Đối với công chức:

Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên;

Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

b) Đối với viên chức:

Tiêu chuẩn 1: Viên chức phải đạt danh hiệu lao động tiên tiến trong suốt thời gian giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh công việc.

Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

3. Thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên:

Trong thời gian giữ bậc lương hiện giữ, nếu công chức, viên chức đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của nhà trường là không đạt danh hiệu lao động tiên tiến, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm, hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định như sau:

a)  Kéo dài 12 tháng (1 năm) đối với các trường hợp sau:

- Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức;

- Viên chức bị kỷ luật cách chức;

b) Kéo dài 06 (sáu) tháng đối với các trường hợp sau:

- Công chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;

- Viên chức bị kỷ luật cảnh cáo;

- Công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 (sáu) tháng.

c) Kéo dài 03 (ba) tháng đối với các trường hợp sau:

- Viên chức bị kỷ luật khiển trách;

- Viên chức không đạt lao động tiến tiến trong năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không đạt lao động tiên tiến thì mỗi năm không đạt lao động tiên tiến bị kéo dài 03 tháng.

d) Trường hợp vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài theo quy định

4. Trường hợp đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền là oan, sai sau khi bị đình chỉ công tác, bị tạm giam, tạm giữ, bị kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức) thì thời gian này được tính lại các chế độ về nâng bậc lương thường xuyên như sau:

a) Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam do oan, sai được tính lại vào thời gian để xét nâng bậc lương;

b) Không thực hiện kéo dài thời gian xét nâng bậc lương đối với các hình thức kỷ luật do oan, sai;

c) Được truy lĩnh tiền lương, truy nộp bảo hiểm xã hội (bao gồm cả phần BHXH do cơ quan, đơn vị đóng) theo các bậc lương đã được tính lại.

5. Đối với lao động hợp đồng trong trường, căn cứ vào vị trí việc làm được đảm nhận, Nhà trường vận dụng chế độ nâng bậc lương thường xuyên đối với các chức danh tương ứng của viên chức để điều chỉnh mức tiền công.

Điều 3. Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn

1. Chế độ nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ:

a) Điều kiện và chế độ được hưởng:

Công chức, viên chức thuộc đối tượng áp dụng quy định tại Điều 1 của Quy định này đạt đủ 2 tiêu chuẩn để nâng lương thường xuyên và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 của Quy định này là 12 tháng đối với các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên và trước thời hạn 6 tháng đối với các chức danh có yêu cầu trình độ từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành phục vụ.

b) Tỷ lệ nâng bậc lương trước thời hạn:

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng (trừ các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều này) được nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong một năm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong biên chế của nhà trường tính đến ngày 31tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.

Đến hết Quý I của năm sau liền kề với năm xét nâng bậc lương trước thời hạn, nếu không thực hiện hết số người trong tỷ lệ được nâng bậc lương trước thời hạn của năm được xét thì không được tính vào tỉ lệ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc của các năm sau.

c) Số lần được nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ:

Không thực hiện 2 lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng ngạch hoặc cùng chức danh.

d) Xác định thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc:

Thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn được xác định theo thời điểm ban hành quyết định công nhận thành tích đạt được trong khoảng thời gian 6 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên và 4 năm gần nhất đối với các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống tính đến ngày 31tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.

Riêng đối với trường hợp đã được nâng lương trước thời hạn thì tất cả các thành tích đạt được trước ngày có quyết định nâng bậc lương trước thời hạn trong khoảng thời gian (6 năm và 4 năm) quy định tại Quy định này không được tính để xét nâng bậc lương trước thời hạn cho lần sau.

Việc xét nâng bậc lương trước thời hạn căn cứ vào thành tích cao nhất đạt được của công chức, viên chức; nếu thành tích cao nhất bằng nhau thì xét đến các thành tích khác; trường hợp có nhiều người có thành tích như nhau thì thứ tự ưu tiên như sau: người có số lần được nâng bậc lương trước thời hạn ít hơn, người có số năm công tác cao hơn, người có hệ số lương thấp hơn; nếu vẫn không xác định được thứ tự ưu tiên thì tùy theo trường hợp cụ thể, Hội đồng xét nâng bậc lương của Nhà trường xem xét, quyết định.

e)     Tiêu chuẩn nâng lương trước thời hạn:

-   Công chức, viên chức thuộc chức danh yêu cầu trình độ từ cao đẳng trở lên, trong vòng 06 năm tính đến thời điểm xét nâng bậc lương trước thời hạn, phải có ít nhất 02 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên, các năm còn lại phải đạt danh hiệu lao động tiên tiến hoặc ít nhất 01 lần được cấp trên khen thưởng do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Năm đề nghị xét nâng lương trước thời hạn phải đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên.

-   Viên chức thuộc ngạch hoặc chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống, thì trong vòng 04 năm gần nhất phải có ít nhất 01 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên, thời gian còn lại phải đạt danh hiệu lao động tiên tiến hoặc ít nhất 01 lần được cấp trên khen thưởng do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Năm đề nghị xét nâng lương trước thời hạn phải đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên.

- Trong trường hợp công chức, viên chức có thành tích đặc biệt xuất sắc được cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng, không trong thời gian bị kỷ luật và hoàn thành nhiệm vụ được giao, nếu đủ điều kiện về thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 của Điều này sẽ được Hội đồng xét nâng bậc lương của Nhà trường xem xét, quyết định việc nâng bậc lương trước thời hạn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc nâng lương trước thời hạn.

2. Chế độ nâng lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức đã có thông báo nghỉ hưu:

Công chức, viên chức đã có thông báo nghỉ hưu, nếu trong thời gian giữ bậc đạt đủ 2 tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 2 của quy định này, chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và kể từ ngày có thông báo nghỉ hưu đến trước ngày nghỉ hưu còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng một bậc lương trước thời hạn 12 tháng so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 của Quy định này.

3. Trường hợp công chức, viên chức vừa thuộc đối tượng được xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, vừa thuộc đối tượng được xét nâng bậc lương trước thời hạn khi có thông báo nghỉ hưu, thì công chức, viên chức được chọn một trong hai chế độ nâng bậc lương trước thời hạn.

Điều 4. Chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung

Công chức, viên chức thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 của quy định này, sau thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 2 của quy định này thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung lần đầu bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh. Từ năm sau đó trở đi, cứ mỗi năm đạt danh hiệu lao động tiên tiến thì được tính hưởng thêm 1%.

Điều 5. Quy trình thực hiện xét nâng bậc lương.

Bước 1: Phòng Tổ chức- Cán bộ lập danh sách công chức, viên chức đến kỳ nâng lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn do đã có thông báo nghỉ hưu; danh sách lao động hợp đồng đề nghị tăng mức tiền công, gửi các đơn vị lấy ý kiến.

Các đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát các tiêu chuẩn và điều kiện nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong đơn vị để có ý kiến đối với danh sách do phòng Tổ chức - Cán bộ cung cấp, bổ sung các trường hợp còn thiếu (nếu có).

Đối với kỳ xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc, các đơn vị bình xét và đề xuất danh sách, cá nhân được đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc kê khai thành tích theo mẫu quy định và photo quyết định khen thưởng nộp về Nhà trường để làm căn cứ xét.

Kết quả kiểm tra tiêu chuẩn và điều kiện nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn do đã có thông báo nghỉ hưu và danh sách đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc nộp về Nhà trường qua phòng Tổ chức - Cán bộ.

Bước 2: Phòng Tổ chức - Cán bộ tổng hợp kết quả kiểm tra, rà soát của các đơn vị; đối chiếu tiêu chuẩn nâng bậc lương trước thời hạn để điều chỉnh, bổ sung danh sách (nếu có) trình Hội đồng xét nâng lương của Nhà trường.

Bước 3: Họp Hội đồng xét nâng lương của nhà trường.

Bước 4: Thông báo kết quả họp Hội đồng xét nâng lương của nhà trường đến các đơn vị trong trường.

Đối với các cá nhân là thành viên Ban Giám hiệu, Nhà trường báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn theo quy định

Bước 5: Hiệu trưởng quyết định nâng lương cho viên chức và người lao động.

Định kỳ 02 tháng một lần, Hội đồng xét nâng bậc lương của Nhà trường họp để xét nâng lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung, nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức đã có thông báo nghỉ hưu.Việc xét nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc Nhà trường xét mỗi năm một lần vào tháng 12 hằng năm.

Điều 6. Tổ chức thực hiện.

1. Trưởng các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phối hợp với Ban chi ủy và Công đoàn bộ phận triển khai đầy đủ nội dung Quy định này đến toàn thể viên chức, lao động hợp đồng trong đơn vị và tổ chức thực hiện đúng quy định hiện hành.

2. Phòng Tổ chức - Cán bộ là đơn vị thường trực giúp Hội đồng nâng lương Nhà trường và Hiệu trưởng trong việc tổ chức, triển khai và thực hiện công tác nâng bậc lương đối với công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong trường; tổng hợp ý kiến vướng mắc, đề xuất của các đơn vị, cá nhân trong trường trong quá trình nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn để báo cáo Hội đồng nâng lương Nhà trường; định kỳ vào Quý IV hằng năm báo cáo Sở Nội vụ (theo mẫu số 1 của Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ).

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị và các nhân phản ánh về Nhà trường qua phòng Tổ chức - Cán bộ để báo cáo Hiệu trưởng nghiên cứu, điều chỉnh./.

 Mẫu đơn đề nghị tăng bạc lương

                                                                               


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing