Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
CHUẨN ĐẦU RA CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC CHÍNH QUY NGÀNH LUẬT TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC
Cập nhật lúc: 11:19 AM ngày 10/10/2017

 I. VỀ KIẾN THỨC:

1.1.  Kiến thức chung:

- Nắm vững nền tảng triết học, có kiến thức sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lê nin, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Có phương pháp luận khoa học tiêm tiến áp dụng vào việc giải quyết các vấn đề trong học tập, nghiên cứu và thực tiễn.

- Có các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với chuyên ngành Luật như Xã hội học, Tâm lý học, Lịch sử văn minh thế giới, Logic học.

- Đạt trình độ Tiếng Anh tương đương với 400 điểm TOEIC trở lên, giao tiếp thông dụng.

- Đạt trình độ tin học tương đương trình độ B.

1.2. Kiến thức chuyên ngành:

-         Nắm vững kiến thức chung về pháp luật, bao gồm:

+ Kiến thức về lịch sử hình thành và phát triển của nhà nước và pháp luật, vai trò của Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Bộ máy Nhà nước Việt Nam...

+ Kiến thức về các lĩnh vực pháp luật thương mại: chủ thể kinh doanh, thương mại hàng hoá và dịch vụ, đầu tư, cạnh tranh, phá sản, giải quyết tranh chấp thương mại, lao động, môi trường, tài chính doanh nghiệp, các quy định của luật thương mại quốc tế...

+ Kiến thức về pháp luật dân sự và tố tụng dân sự: quyền sở hữu, tài sản, hợp đồng dân sự, thừa kế, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; thủ tục giải quyết vụ án dân sự; pháp luật về hôn nhân gia đình; pháp luật đất đai...

+ Kiến thức cơ bản về pháp luật hình sự và tố tụng hình sự: nhiệm vụ, các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam, tội phạm, hình phạt, quyết định hình phạt, chấp hành hình phạt và các biện pháp tư pháp; trình tự, thủ tục, thẩm quyền, giải quyết vụ án hình sự...

+ Kiến thức cơ bản về pháp luật hành chính và luật tố tụng hành chính, quản lý hành chính Nhà nước, thủ tục hành chính, quy chế pháp lý về các cơ quan hành chính Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước; trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và việc thi hành các bản án hành chính...

+ Có kiến thc về pháp luật quốc tế; tư pháp quốc tế; công pháp quốc tế; Luật so sánh và các kiến thức pháp lý liên quan đến lĩnh vực kinh tế - thương mại...

1.3. Kiến thức chuyên sâu:

Ngoài kiến thức chung đối với tất cả sinh viên ngành Luật, tùy theo nhu cầu của từng Sinh viên trong việc lựa chọn các môn học tự chọn phải có thêm các kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực sau:

Pháp luật thanh tra, khiếu tố;  kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính thông dụng, kỹ năng thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật hành chính;

Tội phạm học, khoa học điều tra tội phạm, các kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hình sự;

Nắm vững các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; sở hữu trí tuệ; thi hành án dân sự. Kỹ năng tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, sở hữu trí tuệ, đất đai, đàm phán, soạn thảo và thực hiện hợp đồng;

Nắm vững các quy định của pháp luật về đầu tư, ngân hàng, chứng khoán, môi trường, pháp luật về kinh doanh bất động sản, an sinh xã hội. Kỹ năng tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực thương mại, lao động, thuế và tài chính doanh nghiệp.

II. VỀ KỸ NĂNG:

2.1. Kỹ năng cứng:

- Có kỹ năng tranh luận và giải quyết vấn đề dưới góc độ người làm công tác pháp lý;

- Có kỹ năng nhận thức, phân tích, đánh giá đúng các vấn đề pháp lý;

- Có kỹ năng tư vấn trong các lĩnh vực pháp lý cụ thể;

- Có kỹ năng soạn thảo các văn bản pháp lý, hành chính.

2.2. Kỹ năng mềm:

- Có khả năng làm việc độc lập, giải quyết công việc với tư duy logic và sáng tạo;

- Có kỹ năng làm việc nhóm;

- Có khả năng giao tiếp, thuyết trình;

- Có khả năng tra cứu, sàng lọc thông tin, nghiên cứu văn bản, tài liệu.

III. VỀ THÁI ĐỘ:

- Có phẩm chất đạo đức tốt, công bằng, trung thực, khách quan;

- Có ý thức cao trong tôn trọng và chấp hành pháp luật, có trách nhiệm công dân, có ý thức bảo vệ lợi ích của cộng đồng và xã hộ, có đạo đức tốt, có lòng nhân ái;

- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có bản lĩnh nghề nghiệp, có trách nhiệm trong công việc;

- Chủ động, tự tin, năng động trong công việc;

- Có tinh thần cầu tiến, hợp tác với đồng nghiệp cũng như cộng đồng xung quanh;

- Có tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, biết kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm, không ngừng nâng cao hiệu quả công việc.

IV. VỊ TRÍ LÀM VIỆC SAU KHI TỐT NGHIỆP:

4.1. Tại tất cả các cơ quan nhà nước:

- Trong các cơ quan chính quyền các cấp, gồm các cơ quan trung ương và địa phương như: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ, các Bộ, Ngành trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, ban ngành địa phương, các cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng chế độ, chính sách, pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, bảo đảm dịch vụ công, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính;cơ quan Công an, cơ quan Thuế, Hải quan, Kiểm lâm, Biên phòng, cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; cán bộ trong các bộ phận phụ trách về tổ chức - nhân sự trong các cơ quan, tổ chức; Cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, đất đai, môi trường...

- Trong các cơ quan tư pháp như: Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án.

4.2. Trong các tổ chức tư vấn và dịch vụ pháp lý: văn phòng luật sư, công ty luật, văn phòng công chứng, các trung tâm trọng tài thương mại...của Việt Nam và nước ngoài;

4.3. Công tác tại các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội: các cơ quan Đảng các cấp và tổ chức chính trị - xã hội; công tác tại các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức quốc tế phi chính phủ ở các nước và đặc biệt tại Việt Nam (đảm nhiệm các công  việc  liên quan đến các lĩnh vực của công pháp quốc tế)....

4.4. Làm việc trong các doanh nghiệp với vai trò: chuyên gia tư vấn pháp luật, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực thương mại, đầu tư có yếu tố nước ngoài, tư vấn và hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, tham gia đàm phán ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại, dân sự quốc tế, các vấn đề liên quan đến việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa….cho doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài và cho doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, tư vấn để giải quyết các quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài.

4.5. Đảm nhận công tác giảng dạy: tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo (các viện nghiên cứu; giảng dạy về pháp luật trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học và Phổ thông, ..)

4.6. Làm việc trong các cơ quan nghiên cứu: với tư cách là nghiên cứu viên, đặc biệt là trong các viện nghiên cứu quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu về hành chính - chính trị.

V. KHẢ NĂNG HỌC TẬP NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ SAU KHI TỐT NGHIỆP

- Học tiếp lên cao hơn: bậc thạc sĩ luật, nghiên cứu sinh trong nước và các cơ sở đào tạo nước ngoài.

- Độc lập thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến chuyên ngành luật.

- Tham gia các khóa đào tạo chức danh tư pháp như Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Luật sư, Công chứng viên, Thừa phát lại...

 

 


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing