Các tiện ích
Hình ảnh hoạt động
Báo cáo chuyên đề tự học, tự bồi dưỡng
Cập nhật lúc: 08:06 AM ngày 31/05/2021
Thực hiện kế hoạch năm học 2020 - 2021, ngày 11 tháng 03 năm 2021, Bộ môn Giáo dục học đã tổ chức sinh hoạt học thuật với nội dung báo cáo chuyên đề tự học, tự bồi dưỡng.

         1.     TS. Cao Thị Cúc báo cáo chuyên đề: Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non

           Trong chuyên đề, tác giả đi sâu nghiên cứu các vấn đề sau:

          - Những vấn đề chung về quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm;

- Ý nghĩa của việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm;

          - Quy trình xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non.

          Qua thực tiễn nghiên cứu tác giả đã chỉ ra rằng, việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non là thực sự cần thiết và quan trọng nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ, thông qua đó nhân cách trẻ được hình thành và phát triển toàn diện. Quy trình xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non bao gồm: (1) Xác định nội dung cần xây dựng; (2) Lập sơ đồ về môi trường giáo dục; (3) Mua sắm, sưu tâm trang thiết bị, nguyên vật liệu…; (4) Sắp xếp, trang trí.

Hiện nay, việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở trường mầm non đang được tích cực đổi mới theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, trong đó chú trọng đánh giá đúng, tôn trọng và phát huy được khả năng, thế mạnh của mỗi trẻ; tạo điều kiện để mỗi trẻ đều có cơ hội tốt nhất để phát triển. Chính vì vậy, chuyên đề có tính cấp thiết và tính thực tiễn cao. Quy trình xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non được giới thiệu là nguồn tài liệu quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non và hoạt động giáo dục trẻ ở trường mầm non.

2.     TS. Lê Thị Thu Hà báo cáo chuyên đề: Đạo đức của cán bộ quản lý trong giải quyết các vấn đề ở nhà trường mầm non và cộng đồng

           Trong chuyên đề, tác giả đi sâu nghiên cứu các vấn đề sau:

          - Các vấn đề trong quản lý nhà trường mầm non;

- Đạo đức của người cán bộ quản lý và việc giải quyết những vấn đề ở trường mầm non.

 Trong nghiên cứu của mình tác giả đã làm sáng tỏ các vấn đề cơ bản trong quản lý nhà trường mầm non (gồm: Lập kế hoạch phát triển trường mầm non; Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục và quản lý hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Quản lý nhân sự trong trường mầm non; Xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường); Những yêu cầu về phẩm chất nhân cách mà người cán bộ quản lý trường mầm non cần phải đáp ứng trong thời đại 4.0; Thực trạng biểu hiện đạo đức của người cán bộ quản lý trong việc giải quyết các vấn đề ở trường mầm non và cộng đồng; Các giải pháp nâng cao đạo đức của người cán bộ quản lý trường mầm non trong giai đoạn hiện nay.

      Kết quả nghiên cứu chuyên đề là nguồn tài liệu quan trọng, giúp bổ sung kiến thức chuyên môn cho giảng viên đang giảng dạy học phần Quản lý hành chính nhà nước và Quản lý giáo dục, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đào tạo đã đề ra.

3.     TS. Hồ Thị Dung báo cáo chuyên đề: Đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập học sinh THCS - Vấn đề lý luận và thực tiễn

           Trong chuyên đề này, tác giả đi sâu nghiên cứu:

          - Một số vấn đề lý luận về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh THCS;

         - Thực trạng hoạt động kiểm trá, đánh giá kết quả học tập của học sinh THCS theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh THCS, như: Khái niệm kiểm tra, đánh giá; Phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; Định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh THCS theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018…, tác giả chỉ rõ thực trạng hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh THCS hiện nay và đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt công tác này.

Kết quả nghiên cứu chuyên đề là nguồn tài liệu quan trọng, giúp bổ sung kiến thức chuyên môn cho giảng viên đang giảng dạy các học phần Giáo dục học, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đào tạo đã đề ra.

Bộ môn Giáo dục học


  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing