Hội thảo khoa học Quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy Nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông – Những giá trị lịch sử và đương đại”.

Cập nhật lúc: 04:41 CH ngày 06/03/2017

Nhân kỷ niệm 520 năm ngày mất của vua Lê Thánh Tông, sáng 4/3/2017, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ Bộ Tư pháp phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy Nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông – Những giá trị lịch sử và đương đại”. Trường Đại học Hồng Đức được giao các nhiệm vụ chuẩn bị và tham dự Hội thảo.

 Tham dự Hội thảo có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo Bộ Tư pháp, một số ban, bộ, ngành Trung ương, cùng gần 300 đại biểu nguyên là lãnh đạo các cơ quan tư pháp, đại diện các cơ sở nghiên cứu luật, lịch sử, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn. Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Trường Đại học Hồng Đức đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham gia chuẩn bị công tác tổ chức Hội thảo; Đoàn cán bộ của Nhà trường tham dự Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Mạnh An – Hiệu trưởng Nhà trường làm trưởng đoàn, cùng đông đảo các em sinh viên Khoa Lý luận Chính trị - Luật và khoa Khoa học Xã hội.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh An - Hiệu trưởng Nhà trường trình bày tham luận tại Hội thảo

Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, vương triều Hậu Lê được ghi nhận là thời kỳ đất nước phát triển toàn diện, quốc gia thịnh trị kéo dài, trong đó dưới thời vua Lê Thánh Tông trị vì đã có những thành công nổi bật trong cải cách pháp luật, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Quốc triều hình luật hay còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức ra đời trong giai đoạn này, hiện là di sản quý của quốc gia, dân tộc. Những giá trị về lý luận, thực tiễn trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông gợi mở nhiều bài học, kinh nghiệm quý trong lập pháp, hành pháp, quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các bài tham luận, trong đó tập trung làm rõ thân thế, sự nghiệp vua Lê Thánh Tông; về xây dựng thể chế chính trị quốc gia, tài quản trị quốc gia; về chính sách phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng hiền tài - “nguyên khí quốc gia”. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng đề cập nhiều đến phát huy giá trị di sản như tư tưởng nhân văn - vì con người, biện pháp gìn giữ hòa bình; bổ sung, tăng thời lượng giảng dạy về cải cách pháp luật thời Lê Thánh Tông trong hệ thống giáo dục phổ thông, dạy và học lịch sử địa phương; mở rộng phạm vi nghiên cứu hệ thống pháp luật triều Lê, tiếp thu giá trị tân tiến, xây dựng tổng luật hiện nay...

Hội thảo đã làm sáng rõ nhiều tư tưởng đặc sắc của vua Lê Thánh Tông, trong đó, phải kể tới tư tưởng trọng pháp, trọng kỷ luật, kỷ cương và trọng hiền tài trên nền tảng lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và tinh thần tự tôn dân tộc rất cao.

Những giá trị tân tiến, kinh nghiệm trong cải cách pháp luật, xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông tiếp tục được kế thừa, phát huy trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thực hiện định hướng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động. Đó là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, bám sát nhu cầu thực tiễn, tính toán căn cơ với tầm nhìn dài hạn, nâng cao kỹ thuật lập pháp; đề cao hơn nữa ý thức chấp hành, thượng tôn pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật đi đôi với xây dựng bộ máy thực thi pháp luật gọn nhẹ, hiệu quả, bảo đảm quyền lực quốc gia được thực thi thống nhất, thông suốt; có cơ chế kiểm soát quyền lực, quá trình thực thi công vụ. Thật sự coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng người có tài, có đức trong công tác tuyển dụng, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ; đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ theo tinh thần Văn kiện Đại hội XII thấm sâu, tỏa lan trong thực tiễn.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Tư pháp, các đại biểu về dự hội thảo đã đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, thành kính tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của vua Lê Thái Tổ, vua Lê Thánh Tông cùng các bậc hiền tài có công với đất nước, dân tộc./.

Đoàn cán bộ  Nhà trường Tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
cùng các đồng chí lãnh đạo và các nhà khoa học
BBT website

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo

Album

số lượt truy cập
40574215