Hội thảo khoa học: “Giải pháp nâng cao năng lực thoát nghèo bền vững của các hộ gia đình dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thanh Hóa”

Cập nhật lúc: 02:53 CH ngày 30/06/2020

Ngày 29/6/2020, Trường Đại học Hồng Đức đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Giải pháp nâng cao năng lực thoát nghèo bền vững của các hộ gia đình dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thanh Hóa”. Đây là hội thảo khoa học nằm trong khuôn khổ đề tài cấp tỉnh “Những nhân tố ảnh hưởng đến năng lực thoát nghèo bền vững của hộ gia đình dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thanh Hóa hiện nay” do ThS. Ngô Xuân Sao – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu KHXH&NV làm chủ nhiệm đề tài.

 Quang cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Trịnh Duy Luân – Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam; TS. Vũ Tuấn Anh – Nghiên cứu viên cao cấp. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Hội kinh tế phát triển Việt Nam; TS. Đoàn Văn Trường – Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu Trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các phòng ban chức năng; các tác giả có bài tham luận; đại diện lãnh đạo, các cán bộ giảng viên và đông đảo sinh viên chuyên ngành Xã hội học, khoa Khoa học Xã hội.

Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ các vấn đề về: Quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững cho các dân tộc thiểu số; Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân ảnh hưởng đến năng lực thoát nghèo bền vững của hộ gia đình dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hóa; Đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao năng lực thoát nghèo cho hộ gia đình các dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hóa hiện nay.

TS. Vũ Tuấn Anh – Nghiên cứu viên cao cấp. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế,

Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Tuấn Anh cho rằng: Để nâng cao năng lực thoát nghèo cho hộ dân tộc thiểu số, góp phần hạn chế phân hóa giàu nghèo, cần thực hiện đồng bộ các chính sách của nhà nước đã ban hành để hỗ trợ cho người nghèo dân tộc thiểu số như: hỗ trợ về tín dụng, y tế, giáo dục, đặc biệt là hỗ trợ về sinh kế như đào tạo nghề, tập huấn nâng cao kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi.… GS.TS. Trịnh Duy Luân lại đề xuất phân loại các nhóm hộ gia đình nghèo dân tộc thiểu số thành 3 nhóm và mỗi nhóm đưa ra những giải pháp thoát nghèo khác nhau; trong đó, GS rất chú trọng đến giải pháp phát triển nguồn vốn con người của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo. PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường lại quan tâm đến giải pháp dạy tiếng cho đồng bào dân tộc thiểu số. PGS cho rằng: Cần có đề xuất với Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp với các trường đại học, bộ đội biên phòng tổ chức các chương trình tình nguyện dạy tiếng phổ thông cho đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh … có như vậy thì mới nhanh chóng nâng cao hiểu biết và khả năng hòa nhập xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững…

Hội thảo đã thực sự trở thành một diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, nhà quản lý, các nghiên cứu viên, các cán bộ giảng viên và sinh viên trao đổi, thảo luận về những hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao năng lực thoát nghèo cho hộ gia đình các dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hóa. Đồng thời, những ý kiến trao đổi, đề xuất trong Hội thảo sẽ được nhóm nghiên cứu tổng hợp, chắt lọc đưa vào đề tài “Những nhân tố ảnh hưởng đến năng lực thoát nghèo bền vững của hộ gia đình dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thanh Hóa hiện nay” giúp cho đề tài hoàn chỉnh hơn, có chất lượng tốt hơn, góp phần nâng cao năng lực thoát nghèo, nâng cao đời sống, kinh tế cho hộ gia đình các dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hóa, từ đó phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi một cách hiệu quả và bền vững./.

.
PGS.TS. Mai Văn Tùng - Trưởng khoa KHXH  phát biểu ý kiến tại hội thảo
 
TS. Nguyễn Thị Duyên - Giảng viên khoa KHXH trình bày tham luận tại hội thảo
 
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
 BBT website
 

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo

Album

số lượt truy cập
40579686