Diễn biến phức tạp của tội phạm không gian mạng

Cập nhật lúc: 02:53 CH ngày 18/01/2018

(TTV) - Với gần 70% dân số sử dụng Internet, Việt Nam hiện đứng thứ 16 trong top 20 quốc gia có số lượng người sử dụng internet nhiều nhất Châu Á. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo đà cho sự phát triển kinh tế xã hội trong thời đại khoa học công nghệ. Tuy nhiên, mặt trái của sự bùng nổ thông tin trên internet chính là những tác động tiêu cực đến tâm lý của người sử dụng, khi đây là môi trường “mở” để nhiều đối tượng thù địch trong và ngoài nước triệt để lợi dụng, tung tin không đúng sự thật, xuyên tạc và bóp méo lịch sử, gây nguy hại đến an ninh chính trị quốc gia.

 www.youtube.com/watch

Hành vi xâm phạm an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Các đối tượng đã lập và sử dụng hàng ngàn website, blog, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến, như trang “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Châu Xuân Nguyên”, “Anh Ba Sàm”, “Tin tức hàng ngày”, “Tạp chí sự thật”, “Người buôn gió”..vv.. để tuyên truyền chống phá  Đảng, Nhà nước theo một số phương thức chủ yếu như: Tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; kêu gọi tập hợp lực lượng, hình thành và công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trá hình trên không gian mạng; sử dụng Internet để công khai bày tỏ quan điểm đối lập, đòi đa nguyên, đa đảng. Từ đó lôi kéo, phát triển lực lượng và hoạt động chống phá; lợi dụng các vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, các vụ việc phức tạp để kích động biểu tình, gây bất ổn về ANTT. Cá biệt nhiều tờ báo phản động hải ngoại và báo chí nước ngoài đã thi nhau tung hứng, suy diễn hoạt động các trang mạng này và lôi kéo, hướng lái dư luận ngả theo quan điểm sai trái, thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và tạo sự hoài nghi, mất lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Tự do internet không có nghĩa tuyệt đối. Không phải ai thích viết gì, nói gì, muốn xâm phạm cá nhân, tổ chức nào trên internet cũng được. Ngày nay, với sự bùng nổ của internet, các quốc gia trên thế giới thường căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể để đề ra các quy định quản lý phù hợp. Điểm mấu chốt là dù quản lý theo phương thức nào thì cũng nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cá nhân, tổ chức, tránh các hành vi lạm dụng phạm pháp.

Rõ ràng, với hành động lợi dụng internet để xúc phạm người khác, nguy hại hơn là xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá đất nước thì không có quốc gia nào dung túng. Vì thế việc Việt Nam đưa ra các quy định pháp luật để quản lý mạng internet là phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn chung của các quốc gia trên thế giới. Dưới góc độ pháp luật, những hành vi đăng tải, phát tán, chia sẻ những thông tin xấu, độc, không đúng sự thật, có tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội; uy tín, danh dự của tổ chức và cá nhân… dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều vi phạm pháp luật.

Thực tế cho thấy, việc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng Internet để giả mạo, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín danh dự của người khác là hành vi phạm pháp dù ở bất cứ quốc gia nào. Còn về mặt đạo đức thì cũng không một xã hội nào chấp nhận hành vi đó. Chính vì vậy việc định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là đối với tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên - những người có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất vì thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại, hành lang pháp lý của Việt Nam nhằm điều chỉnh những hành vi tung tin bịa đặt, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận khá đầy đủ kèm theo các chế tài mạnh mẽ và thái độ xử lý  kiên quyết, cứng rắn của cơ quan chức năng. Và trong bối cảnh những thông tin xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc đang trở nên phức tạp cả về tính chất và mức độ hành vi, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 38 về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới với tuyên bố rất rõ ràng “Kiên quyết gỡ bỏ thông tin xuyên tạc, độc hại”. Theo đó, chỉ trong vòng 48h, Việt Nam sẽ phối hợp với những trang web, trang mạng xã hội như facebook, Google, youtube, twitter, instagram... hoặc những trang web đặt máy chủ tại Việt Nam xử lý ngay những thông tin xấu, độc.

Ở nước ta, chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 800 tài khoản facebook, gần 300 kênh Youtube do các đối tượng chống đối trong và ngoài nước quản trị thường xuyên đăng tải thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm công kích, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. Trong đó, có nhiều đối tượng đã bị bắt, bị xử lý cả về mặt hành chính và hình sự, như: đối tượng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức mẹ Nấm) ở tỉnh Khánh Hòa đã bị Công an tỉnh Khánh Hòa bắt về hành vi sử dụng facebook cá nhân để soạn thảo, đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết sai sự thật, tuyên truyền, đả kích đường lối chính sách của Đảng, xuyên tạc lịch sử và bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 10 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước. Đối tượng Nguyễn Văn Hóa, ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 7 năm tù giam cũng về hành vi trên. Trần Thị Nga, ở tỉnh Hà Nam bị xử phạt 9 năm tù và phạt quản chế 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù về hành vi sử dụng các tài khoản blog, facebook cá nhân để tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt nhằm chống phá Nhà nước. Phan Kim Khánh, ở tỉnh Phú Thọ bị xét xử 6 năm tù giam và 4 năm quản chế về tội tuyên truyền chống Nhà nước..vv..

Tại Thanh Hoá, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng, Công an Thanh Hoá đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Đề án của Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Công an Thanh Hoá đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin & Truyền thông và các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ bản chất và âm mưu, phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch và phần tử xấu trong việc lợi dụng internet và các trang mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Bên cạnh đó, công an tỉnh đã thường xuyên quản lý, phát hiện và đấu tranh xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi phát tán thông tin bịa đặt, sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh.

Giải trí và thư giãn, tìm niềm vui cho mình sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng là lý do chính khiến nhiều người tìm đến mạng xã hội. Thế nhưng nhiều người, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên do chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về pháp luật, còn thiếu kiến thức, không phân biệt được thông tin tốt - xấu, đúng- sai, cũng như chưa có đủ khả năng để tự bảo vệ mình khi truy cập vào Internet nên đã bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động. Thậm chí nhiều người còn không biết, hoặc nhầm tưởng những trang mạng phản động đăng tải những bài viết trên là những tờ báo điện tử, trang mạng tổng hợp được cấp phép, nên đã thoải mái chia sẻ. Chỉ đến khi bị các cơ quan chức năng gọi hỏi, đấu tranh thì mới biết hành vi của mình là hết sức nguy hiểm và vi phạm pháp luật.

Theo Công an Thanh Hóa

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo

Album

số lượt truy cập
40580944