Trở lại Thuỷ điện Hoà Bình nhân chuyến học tập thực tế chuyên ngành của sinh viên K21, K23 Đại học sư phạm Vật lý

Cập nhật lúc: 08:28 SA ngày 08/12/2020

Cách đây gần 40 năm tôi đã có dịp về thăm nhà máy thuỷ điện Hoà Bình nhân chuyến đi thực tế chuyên ngành môn Vật Lý. Nói là nhà máy, nhưng thực tế lúc ấy vạn thứ trên công trường còn đang ngổn ngang bề bộn. Con đê chặn dòng lũ dữ và trái tim của nhà máy - nơi đặt các Tuocbin để biến năng lượng của dòng nước thành năng lượng điện vẫn đang trong giai đoạn thi công rầm rộ.

Tiếng mìn phá đá, tiếng động cơ của những xe ủi, xe benla, xe tải và những âm thanh được tạo bởi hành vạn công nhân đang lao động trên công trường đã tạo nên một thứ âm thanh làm náo nhiệt cả một công trường rộng lớn.

Vì nhà máy đang trong quá trình xây dựng nên mọi người chỉ được phép quan sát từ xa. Tôi còn nhớ lúc ấy mọi người trong lớp chỉ biết tìm chọn cho mình một vị trí thuận lợi nhất để có thể ngắm nhìn được toàn cảnh trị thuỷ Sông Đà.

Sau gần một tiếng quan sát không khí công trường đoàn chúng tôi được Ban Giám Đốc dẫn vào một hội trường để nói về quá trình khảo sát và đi đến quyết định xây dựng nhà máy. Nội dung của buổi thuyết trình có thể tóm lược như sau: “Sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy dọc miền Tây Bắc Việt Nam trên chiều dài 543 km. Lưu lượng giữa mùa khô và mùa lũ chênh lệch lớn khiến đáy sông luôn biến đổi. Số liệu thuỷ văn năm 1971 thống kê chênh lệch tới 24 lần, lưu lượng nước mùa khô đạt 610m3/s, còn mùa lũ vọt lên 14.800m3/s. Sông Đà là phụ lưu chính, đóng góp gần 80% lưu lượng lũ sông Hồng. Hơn một nửa tổng lưu lượng lũ của sông Hồng lại đổ về Hà Nội - thủ phạm chính làm vỡ đê, gây ra lụt lội những năm 1945, 1971. Muốn trị thuỷ sông Hồng thì phải trị được sông Đà. Nhưng con sông bất trị cũng có tiềm năng kinh tế lớn. Riêng trữ năng của dòng chính trên 30 tỉ kWh, chiếm một phần ba trữ năng kinh tế thuỷ điện cả nước.

Từ những năm 40 của thế kỷ trước, người Pháp đã lên kế hoạch khai thác sông Đà sau khi hoàn thành đánh chiếm miền Tây Bắc. Sở địa chất Đông Dương đặt những mũi khoan thăm dò đầu tiên xuống lòng sông, từ thị xã Hoà Bình chợ Bờ, suối Rút. Con sông “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh”, núi đá sừng sững hai bên bờ, nhưng dưới dòng sông lại có một lớp phù sa dày tới 60 m. Dưới cùng là hỗn hợp cuội sỏi, tới lớp cát thô rồi cát mịn. Trình độ công nghệ lúc đó chưa đủ khả năng xử lí lớp phù sa này để xây dựng thuỷ điện. Người Pháp mới kết luận “Sông Đà bất trị”. Sau này hoà bình lập lại ở miền Bắc, Trung ương cũng sớm lên kế hoạch trị thuỷ, lập uỷ ban trị thuỷ và khai thác Sông Hồng năm 1959. Các đội khảo sát địa chất đi thăm dò lòng sông, xây trạm thuỷ văn theo dõi lượng nước mùa khô lẫn mùa lũ. Những năm 1960 - 1970, Uỷ ban đặc biệt lưu ý quy hoạch bậc thang thuỷ điện sông Đà với 4 nhiệm vụ chính: chống lũ cho đồng bằng Bắc Bộ; khai thác thuỷ năng phát triển kinh tế xã hội; phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và phát triển giao thông đường thuỷ. Trước khi người Liên Xô bắt tay vào công việc, các chuyên gia Trung Quốc cũng đã thử khoan thăm dò và đã lắc đầu bó tay “không thể làm được đập thuỷ điện trên Sông Đà”

Từ 1971, các chuyên gia địa chất Liên Xô và Việt Nam đã liên tục khoan thăm dò để chọn vị trí xây dựng đập thủy điện. Nơi được chọn phải bố trí được nhà máy, thân đập và tạo ra một hồ chứa có dung tích chống được những trận lũ lịch sử. Những mũi khoan chọc xuống lòng sông đều gặp lớp cát lẫn phù sa. Cho tới năm 1977, đoàn khảo sát chọn được sáu tuyến, từ thị xã Hòa Bình lên tới Suối Rút, trên một quãng sông dài 40 km. Tuyến đầu là Suối Rút, xuất phát từ chân cao nguyên Mộc Châu; tuyến hai là suối Hoa từ Thanh Hóa đổ về sông Đà. Tuyến thứ ba là Chợ Bờ; tuyến thứ 4 là Hiền Lương; tuyến thứ 5 là Hòa Bình trên và cuối cùng là Hòa Bình dưới. So sánh khối lượng xây dựng, cuối cùng hai tuyến "KHẢ THI" được chọn là "HÒA BÌNH TRÊN" và "HÒA BÌNH DƯỚI". Tuyến trên cách thị xã Hòa Bình khoảng 6 km, địa hình hẹp, hiểm trở. Khi thi công không bố trí được mặt bằng cho công trường, khó vận chuyển nguyên vật liệu. Tuyến dưới cách thị xã gần 2 km, gần đồi Ông Tượng. Nơi này tương đối bằng phẳng, dễ tập kết vật liệu, xây dựng nhà ở lẫn công trình phụ trợ cho công trường. Dòng sông tới đây gặp dãy núi Ông Tượng liền uốn khúc, thu hẹp lại còn gần 300 mét, thích hợp làm thân đập, vai đập. Viện Thiết kế thủy công Baku thuộc Cộng hòa Azerbaijan – đơn vị được Liên Xô giao nhiệm vụ lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật cho công trình chọn phương án Hòa Bình trên. Bởi "tuyến dưới có một dãy đá vôi cắt ngang từ lòng hồ xuống hạ lưu, có nhiều hang hốc xử lý phức tạp". Còn Viện Thiết kế thủy công Moscow chọn tuyến Hòa Bình dưới. Viện trưởng Nikolai Aleksandrovich Malyshev nói Liên Xô có đủ chuyên gia và trình độ để xử lý tuyến đá vôi đó. Ông là kỹ sư trưởng thiết kế đập thủy điện Aswan trên sông Nile, Ai Cập. Đập này có đặc điểm địa chất gần như lòng sông Đà ở Hòa Bình với lớp phù sa dày gần 170 mét. Việt Nam đã đồng ý chọn tuyến Hòa Bình dưới làm địa điểm xây dựng nhà máy và sáng 6/11/1979, sau tiếng mìn nổ rung đồi Ông Tượng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ném viên đá xuống lòng Sông Đà, khởi công xây dựng thủy điện Hòa Bình”. Vì nhà máy đang trong thời xây dựng nên buổi học tập thực tế chuyên ngành chỉ có diễn ra như vậy. Kết thúc đợt học tập thực tế chuyên ngành chúng tôi được Thầy – Cô cho đi tham quan động Cô Tiên là một trong những điểm du lịch nổi tiếng được phát hiện do một đơn vị địa chất khi đi khảo sát địa chất sông Đà.

Hôm nay trở lại nhà máy thủy điện Hòa Bình sau gần 40 mươi năm xa cách nhưng với tâm thế là người dẫn sinh viên đi học tập thực tế tại nhà máy. Lần trở lại này mọi thứ đã đổi thay. Sự thay da đổi thịt của thành phố đã làm cho tôi hết sức ngỡ ngàng, hình ảnh một thị xã miền núi Hòa Bình tuềnh toàng bụi mù trong sắc đỏ ngày nào đã lùi vào trong dĩ vãng, thay vào đó là một thành phố văn minh, giàu đẹp và phát triển, thành phố Hòa Bình đã khoác cho mình một đôi cánh mới.

Nghỉ lại 3G holtel Hòa Bình một đêm, đúng 7g30 chúng tôi đã có mặt trước cổng nhà máy thủy điện sông Đà. Đứng hít thở không khí trong lành của một một buổi sáng cuối thu trên vùng sơn cước mà cảm thấy tâm hồn thư thái đến lạ thường.

Từ cổng nhà máy, ngước mắt nhìn lên theo hướng tây nam là một con đập cao sừng sững nối liền giữa quả đồi 206 nơi đặt các thiết bị chính của nhà máy và quả đồi Ông Tượng nơi đặt tượng đài Bác Hồ kính yêu. Con đập này được thiết kế có chân đế rộng 300m, cao128m và dài 743m. Con đê cao sừng sững như một bức trường thành có nhiệm vụ ngăn dòng lũ hung hăng đổ về từ phía thượng nguồn, buộc các dòng lũ hung hăng ấy ngoan ngoãn chảy vào các Tuocbin để rồi từ đó sản sinh ra điện năng góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Con đập sừng sững trên còn là lời khẳng định đanh thép về câu chuyên truyền thuyết dân gian về “SƠN TINH VÀ THỦY TINH” được lưu truyền ngàn đời trong đất Việt.

Khác với lần học tập thực tế chuyên ngành trước đây, buổi học đầu tiên của chúng tôi được diễn ra tại một hội trường lớn nằm đối diện ngay trước cửa nhà máy. Trong buổi nói chuyện này đại diện Ban Giám Đốc nhà máy đã cho chúng tôi biết về quá trình hình thành và phát triển của nhà máy trong 35 năm qua cũng như những đóng góp to lớn của nhà máy trong công cuộc dựng xây và đổi mới của đất nước.

Những buổi học tiếp theo đoàn chúng tôi được các chuyên gia của nhà máy đưa đến các điểm phụ cận của nhà máy như: Khu vực trạm tăng áp, khu vực phân phối điện năng và đưa điện năng về các tỉnh phía Bắc và phía Nam dọc theo đường dây 500 kV. Tại mỗi điểm trải nghiệm chúng tôi đều được các chuyên gia hướng dẫn một cách rất tỉ mỉ về nguyên tắc hoạt động của các thiết bị cũng như cách chia, cách phân phối điện. Điều đặc biệt là chúng tôi được các chuyên gia cho đi tham quan thực tế về quá trình vận hanh của các Tuocbin, đặt trong nhà máy nơi có có độ cao dương 82m và độ sâu âm là 17 m so với mặt nước biển. Toàn bộ các thiết bị quan trọng nhất của nhà máy như 8 Tuocbin, hệ thống điều kiển tự động, các hệ thống nâng đỡ bằng cần cẩu, cánh tay Robot kể cả các phòng làm việc của đội ngũ chuyên gia và hội trường lớn đều được đặt ở đây. Vì vậy nơi đây được gọi là trái tim của nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tại đây chúng tôi được các chuyên gia nói rất kỹ về nguyên tắc dùng sức nước để tạo ra dòng điện, cách đấu dây để lấy điện từng pha để đưa ra phía ngoài trạm tăng áp cũng như cách dùng cánh tay người máy tự động đóng ngắt dòng nước mỗi khi bảo dưỡng Tuocbin,…

Rời trung tâm nhà máy đoàn chúng tôi được hướng dẫn viên đưa đi tham quan nơi lưu giữ bức thư gửi cho thế hệ con cháu mai sau và khu tưởng niệm 168 liệt sỹ đã hy sinh trong quá trình xây dựng nhà máy thủy điện Hào Bình. Trong tổng số168 liệt sỹ có 11 liệt sỹ là các chuyên gia Nga, họ đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này. Tiếp đó, chúng tôi được hướng dẫn viên cho tham quan khu nhà truyền thống, tại đây đã lưu giữ lại rất nhiều hình ảnh ấn tượng về quá trình xây dựng công trình thế kỷ cũng như những hình ảnh đẹp, sống động về tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô.

Dọc theo con đường quanh co tựa vào sườn núi chiếc xe đưa chúng tôi đến mặt đập sông Đà. Đứng trên đập phóng tầm mắt về phía thượng nguồn là cả một biển nước xanh biếc mênh mông được bao bọc bởi hai dãy núi đá vôi sừng sững song song dài tít tắp, phía trên cách nhà máy chừng 200 km được chặn lại bởi con đập thủy điện SƠN LA còn phía dưới là đập Thủy điện HÒA BÌNH. Một biển hồ rộng lớn trên cao nguyên thật nên thơ và đầy lãn mạn. Phía dưới hạ du dòng sông Đà như bị thắt lại, một dòng nước trong xanh được chảy ra từ các TUOCBIN rồi uốn lượn cùng dòng sông để rồi đổ ra biển lớn. Trên đập, ở chính giữa dòng sông nơi gần với chân quả đồi 206 người ta thiết kế một hệ thống xả lũ gồm 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả tràn. Mười hai cửa xả đáy có nhiệm vụ giữ cho độ sâu của lòng hồ luôn ổn định, cung cấp phù sa cho đồng bằng châu thổ và tham gia cắt lũ. Còn sáu cửa xả tràn có nhiệm vụ giữ cho mực nước trong hồ luôn ở độ cao theo thiết kế, cung cấp nguồn nước cho phía hạ du và đảm bảo cho giao thông đường thủy được thông suốt.

Chạy hết con đập và ngược theo con dốc quanh co sau đó đi bộ đúng 79 bậc tam cấp là lên tới đỉnh đồi Ông tượng nơi đây có đặt một tượng đài Bác Hồ. Tại đây chúng ta có thể quan sát được toàn cảnh thành phố Hòa Bình cũng như thân đập, chân đập và phần nổi của nhà máy cũng như một phần rộng lớn của lòng hồ Sông Đà…..

Sau khi kết thúc các buổi học tập thực tế chuyên ngành, buổi chiều còn lại chúng tôi đã tổ chức cho các bạn sinh viên hẳn một buổi DU THUYỀN đi tham quan ngắm cảnh lòng hồ thủy điện và một số điểm du lịch thuộc quần thể quanh hồ như: Thác Bờ - Thung Nai được ví như Vịnh Hạ Long phiên bản F1, đền thờ Lê Lợi, động Cô Tiên nơi còn mang nhiều dấu tích của người Việt cổ. Ngồi trên DU THUYỀN lênh đênh theo dòng nước, đất trời nơi đây như giao thoa được với nhau, mây ôm núi, núi ôm mây cung soi mình trong nước biếc, có lẽ không chỉ tôi đâu mà mọi người trong đoàn ai ai cũng cảm thấy nao lòng trước phong cảnh sơn thủy hữu tình của Trời Đất nơi đây. Và một hình ảnh không thể nào quên trong chuyến tham quan đó là cảnh hoàng hôn về trên Sông Đà. Đứng trên Thác Bờ tôi có cảm giác mặt hồ phía chân troi xa như được dát một lớp vàng rất mỏng trên nền sóng lăn tăn, còn Mặt Trời thì từ từ, chậm chậm chui vào lòng một ngọn núi ở rất xa nơi chúng tôi đang đứng.

Chia tay Hồ thủy điện chúng tôi trở về nghỉ tại Khách sạn 3G Hòa Bình, tọa lạc tại trung tâm thành phố chỉ cách nhà máy chừng 1 km theo đường chim bay. Đêm về trằn trọc mãi nhưng tôi vẫn không thể nào ngủ được. Càng về khuya những âm thanh sôi động càng lịm dần, hình như chỉ còn lại âm thanh của những dòng nước chảy ra từ các Tuocbin của nhà máy và hình như Sông Đà đang thì thầm hát, bài hát VỀ TIẾNG ĐÀN BALALAICA của nhạc sỹ Nguyễn Quang Huy hát về tình hữu nghị Việt – Xô đời đời xanh thắm, hát về những chàng trai những cô gái đã bạt núi, dời non để xây lên một CÔNG TRÌNH THẾ KỶ để cho dòng điện được truyền đi và bừng sáng lên trên mọi nẻo đường của Đất nước./.

 
 
 
 
 
 
Tin ảnh: Ngọc Anh - Khoa KHTN

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo

Album

số lượt truy cập
40580001