Trường Đại học Hồng Đức tham gia ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018

Cập nhật lúc: 09:07 CH ngày 18/12/2018

Sáng ngày 16/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018. Tham gia ngày hội có 80 dự án khởi nghiệp trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, kinh doanh, tài chính, giáo dục, y tế, dịch vụ… được giới thiệu từ các trường. Ngoài ra, diễn đàn thảo luận về các chủ đề khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp, ươm tạo khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục…. cũng được tổ chức cùng ngày. Trường Đại học Hồng Đức vinh dự có 2 dự án góp mặt tại ngày hội.

       Tham dự Ngày hội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo các bộ ngành cùng hàng ngàn sinh viên, trong đó có không ít bạn đang ấp ủ những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo (Start-up).

     SV.Start-up nhằm mục tiêu truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên (HSSV) dám ước mơ và đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, khả thi. Đồng thời, trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng thành lập dự án từ ý tưởng.

     Tham gia không gian của ngày hội có 80 dự án khởi nghiệp trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, kinh doanhtài chính, giáo dục, y tế, dịch vụ… được giới thiệu.

     Ngoài ra, diễn đàn thảo luận về các chủ đề khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp, ươm tạo khởi nghiệptrong các cơ sở giáo dục…. cũng được tổ chức cùng ngày.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn từng bạn sinh viên khơi dậy
trong mình tinh thần khởi nghiệp, khát vọng dấn thân, không sợ thất bại.

     Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết dù đã có những chương trình, kế hoạch về khởi nghiệp sáng tạo nhưng việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trước hết nhằm truyền tinh thần khởi nghiệp, khát vọng dấn thân, không sợ thất bại đến với sinh viên.

      Nói về tinh thần, khát vọng đó, Phó Thủ tướng nhắc lại mong muốn của cả dân tộc, của hàng triệu anh hùng liệt sĩ là đất nước phải phát triển hơn, giàu mạnh hơn, người dân có cuộc sống hạnh phúc, an bình. Tuy nhiên, do đất nước trải qua chiến tranh kéo dài nên gần 30 năm qua mặc dù có tốc độ phát triển nhanh thứ hai thế giới nhưng Việt Nam mới là nước thu nhập trung bình thấp.

      “Việt Nam không thể đợi một nước khác hay một ai đó đến làm giàu cho mình. Ai có thể giúp đất nước giàu lên? Đó là tất cả mọi người nhưng trước hết là những người trẻ, trong đó có những người được Đảng, Nhà nước, nhân dân, bố mẹ, gia đình, quê hương… tạo mọi điều kiện vật chất, tinh thần để bước vào giảng đường đại học, cao đẳng. Vì vậy, từng bạn sinh viên phải khơi dậy trong mình khát vọng cháy bỏng đó như là sự đền ơn đáp nghĩa tốt nhất cho cha mẹ, gia đình, quê hương, cho lớp lớp các anh hùng liệt sĩ, anh hùng dân tộc đã hi sinh để có đất nước như ngày hôm nay”, Phó Thủ tướng nhắn gửi.

        Nhấn mạnh Đề án không chỉ dừng ở mục tiêu trang bị kiến thức khởi nghiệp cho mỗi sinh viên mà còn cho cả giảng viên, lãnh đạo trường đại học, Phó Thủ tướng nêu thực tế có thời gian dài, hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học ít hơn nhiều so với thế giới, việc dạy và học theo giáo trình sẵn có. Giảng viên truyền thụ kiến thức một chiều, tự đặt mình cao hơn sinh viên về trí tuệ, hiểu biết. Các trường đại học thụ động nhận bao cấp. Tất cả những điều này đã bắt đầu thay đổi nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa.

       “Các trường đại học, giảng viên hãy hướng dẫn, cùng thi đua với sinh viên, chưa nói đến khởi nghiệp mà trước hết là sáng tạo trong giảng dạy, tổ chức công việc của mình để thực hiện tự chủ đại học, tạo tri thức mới”, Phó Thủ tướng nói.

       Hai mục tiêu trên chính là nền tảng “ươm mầm” các ý tưởng sáng tạo cùng những biện pháp hỗ trợ, kết nối cần thiết “nuôi dưỡng” các ý tưởng đó thành nguồn để có nhiều doanh nghiệp Start-up thành công. Bên cạnh đó, Nhà nước, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp sẽ là ‘bà đỡ’ cho những ý tưởng Start-up.

      Điểm nhấn của Ngày hội năm 2018 là cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SWIS 2018” được tổ chức với quy mô toàn quốc với sự tham gia của 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT. Trường Đại học Hồng Đức cũng đã có 02 dự án tham dự ngày hội, đó là dự án  "Nơi bảo tồn và phát triển thương hiệu nước mắm truyền thống Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa" và dự án "Nhà máy sản xuất thuốc nam và trồng cây dược liệu"

 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thăm gian hàng
của trường ĐH Hồng Đức

      Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam nói chung, phong trào khởi nghiệp của HSSV nói riêng ngày càng phát triển. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để khởi nghiệp thành công cần nhiều yếu tố, trong đó đam mê và sáng tạo là các yếu tố rất quan trọng.

      Trong môi trường đại học, nơi mà hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn kết chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau và đặc biệt là ở đó hội tụ các sinh viên trẻ với sức sáng tạo, nhiều ý tưởng và nhiệt huyết, sẵn sàng đối mặt và chinh phục các thử thách mới, sẽ khơi nguồn và ươm tạo những ý tưởng khởi nghiệp thành công.

       “Sinh viên khởi nghiệp không chỉ góp phần tạo ra việc làm cho bản thân mà còn giúp tạo nhiều việc làm cho người khác, tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước vững tin trên con đường hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

      Nhận thức sâu sắc trách nhiệm của ngành giáo dục trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665 ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”. Như vậy, cùng với Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, việc triển khai Đề án 1665 một cách hiệu quả sẽ tạo ra nền tảng hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp mang tính bền vững cao hơn.

     Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thực hiện Đề án 1665, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở đào tạo cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên. Cung cấp những kiến thức cơ bản, xây dựng những chương trình đào tạo tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, cung cấp các kiến thức cần thiết để hế hệ trẻ có thể “ứng phó” được với các vấn đề của thực tiễn một cách tích cực nhất, nhìn thấy trong các khó khăn những cơ hội mang tính thách thức, có niềm tin và động lực để giải quyết khó khăn, mang lại giá trị cho bản thân, cộng đồng và doanh nghiệp.

     Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các trường đại học cần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng một cách bền vững.

     Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các địa phương, các tổ chức hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nhân, nhà đầu tư và chỉ đạo các nhà trường tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp của Đề án 1665 nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho HSSV được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp để phát huy tối đa tài năng, năng lực của bản thân tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị cho cộng đồng, xã hội.

Anh Bùi Quang Huy- Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam
thăm, góp ý cho các dự án của trường Đại học Hồng Đức
 

Shark Bùi Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT tập đoàn SUNHOUSE cũng tới tham quan, chỉ ra những điểm yếu của dự án để các dự án hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

 Hội thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2018” đã khép lại nhưng đây sẽ là cơ hội lớn để các đội thi tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng như kiến thức từ Hội đồng giám khảo danh dự là các doanh nghiệp có khả năng đầu tư.

Tin, ảnh: Lê Hữu Giang Nam- CV Phòng Công tác HSSV

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo

Album

số lượt truy cập
40581422