Phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo để đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam

Cập nhật lúc: 02:42 CH ngày 22/01/2013

Sau hơn 25 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong những thành tựu ấy có những thành tựu về giáo dục, đào tạo và góp phần làm nên những thành tựu ấy cũng có phần không nhỏ của các lực lượng trong ngành giáo dục, đào tạo nói chung và của đội ngũ nhà giáo nói riêng. Đội ngũ nhà giáo tự hào về những đóng góp của mình vào những thành tựu chung của đất nước nhưng đội ngũ nhà giáo cũng đau lòng trước những hạn chế, yếu kém của đất nước và những hạn chế, yếu kém, bất cập trong giáo dục, đào tạo của nước nhà.

 Sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước ta đang đứng trước những thử thách lớn lao và những nhiệm vụ có tính lịch sử. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trở thành một trong những mục tiêu, động lực quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng ...

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vừa là vấn đề bức bách, cấp thiết, nhưng đồng thời cũng không thể nôn nóng, vội vàng. Thực hiện sự nghiệp này, cần phải huy động toàn Đảng, toàn dân, huy động trí tuệ trách nhiệm của nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý, nhiều bậc trí thức, của các chuyên gia, của đông đảo các tầng lớp nhân dân, và đặc biệt là phải thực sự phát huy vai trò của đội ngũ các thầy cô giáo, các nhà sư phạm.

Phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần lưu ý những giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những hạn chế, yếu kém, bất cập của giáo dục, đào tạo nước ta lâu nay là “chưa nhận thức đúng vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo…”. Theo chúng tôi, đây là một nhận định, đánh giá nghiêm túc, khách quan.

Từ Hội nghị TW2 khóa VIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh”. Luật Giáo dục năm 2005 cũng khẳng định: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục.

Nhà nước … có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình…”(Điều 15). Đây là những quan điểm đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về giáo dục, đào tạo. Rất tiếc, lâu nay chúng ta quán triệt và thực hiện tinh thần này chưa thực sự tốt.

Chúng ta đã nhấn mạnh học sinh, người học là “trung tâm” mà xem nhẹ vế giáo viên, người dạy là “quyết định”… Chính vì vậy, lần này, cần khẳng định một cách mạnh mẽ và sâu sắc vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với chất lượng giáo dục và đối với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo của nước nhà. Nếu quan điểm này không được quán triệt sâu sắc để trở thành một nhận thức nhất quán thì không thể đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của chúng ta được.

Thứ hai, “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế …” là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, chứ không phải là công việc của một số ít người, càng không thể chỉ là công việc của các nhà lãnh đạo, quản lý.

Để làm được việc này, cần khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, xây dựng. Nhưng hơn ai hết, là lực lượng cơ bản, trực tiếp quyết định hoạt động trong các nhà trường của hệ thống giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo các cấp học, bậc học ở mọi miền đất nước hiểu rõnhững thuận lợi và khó khăn của nền giáo dục, những hay, dở của cơ chế, chính sách đối với giáo dục, đào tạo; những điểm mạnh, yếu của học sinh, sinh viên, những bất cập, hạn chế của chương trình, nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá… Họ hiểu rõ cái gì cần thay đổi, cái gì cần loại bỏ, cái gì cần kế thừa, phát triển.

Không ai hiểu rõ thực tiễn giáo dục, đào tạo Việt Nam bằng chính những nhà sư phạm, những thầy cô giáo của chúng ta. Đội ngũ nhà giáo là căn cứ quan trọng để hoạch định chủ trương, chính sách, chiến lược giáo dục, đào tạo. Đội ngũ nhà giáo cũng là một trong những chủ thể tham gia hoạch định chủ trương, chính sách, đề án, chiến lược đổi mới và chính họ là những chủ thể cơ bản thực thi chiến lược, đề án, chính sách và chủ trương đổi mới ấy…

Vì lẽ đó, để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam cần có quy trình, cơ chế, phương pháp, cách thức để lắng nghe, tập hợp ý kiến, tiếp thu ý kiến của đội ngũ nhà giáo. Việc này phải được thực hiện từ đầu quá trình, trong suốt quá trình tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, từ nội dung tổng thể đến từng bộ phận cấu thành, từ xác định mục tiêu, nguyên tắc…đến thiết kế nội dung, chương trình của từng cấp học, bậc học…

Thứ bacần có chính sách khuyến khích thực sự đối với đội ngũ nhà giáo thông qua chế độ đãi ngộ xứng đáng. Nghề giáo là một nghề đòi hỏi rất cao, không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn về đạo đức, tư cách, sự đầu tư thời gian, công sức. Lao động sư phạm là lao động đặc biệt, vừa là lao động khoa học vừa là lao động nghệ thuật.

Thế nhưng, nhiều năm nay, các nhà giáo phải xoay xở đủ kiểu làm thêm để tăng thu nhập. Do đó, phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam đòi hỏi phải thực sự chú trọng giải quyết vấn đề này. Nhà nước và xã hội phải đánh giá đúng và trả công xứng đáng với công sức lao động và những cống hiến của nhà giáo. Phải dựa vào trình độ và hiệu quả công tác của giáo viên, tránh cào bằng. Nếu không, mọi đổi mới, cải cách của nền giáo dục sẽ không thể đi đến đâu.

Nghề giáo phải có sức hấp dẫn về nhiều mặt để thu hút được nhiều học sinh giỏi vào nghề. Cần phải sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để giáo viên dạy ở trường công và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội. Cần cải thiện điều kiện làm việc để nhà giáo có thể thực hiện các hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp. Có như vậy, họ mới có thể có điều kiện để toàn tâm, toàn ý với nghề, yêu người và càng yêu nghề, chủ động, sáng tạo gắn bó hết mình với công việc.  

Thứ tư, lâu nay, môi trường giáo dục, cơ chế vận hành và quản lý của nền giáo dục còn nhiều bất cập. Bản thân ngành giáo dục, cả giáo viên, học sinh, nhà quản lý, nhất là đông đảo giáo viên, nhà giáo bất bình với những tiêu cực của giáo dục nhưng đành bất lực, đành “sống chung với lũ”…Vì vậy, việc đổi mới giáo dục đào tạo không thể gọi là căn bản, toàn diện nếu không tạo ra, xây dựng nên một cơ chế vận hành, cơ chế quản lý vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống vừa phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở, của nhà trường và thực sự phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của giáo viên. Cơ chế ấy phải là môi trường dân chủ, công minh, vừa thúc đẩy sáng tạo, tôn vinh nhân tố tích cực vừa ngăn ngừa tiêu cực và dễ dàng thải loại những giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, đào tạo, những nhà quản lý yếu kém, hư hỏng.

Vận hành cơ chế ấy, tất nhiên phải là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chuyên nghiệp, tận tâm, thạo việc, có năng lực điều hành. Họ phải được đào tạo bài bản, am hiểu khoa học quản lý giáo dục, am hiểu giáo dục, đào tạo, biết dựa vào đội ngũ nhà giáo, biết phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo… Muốn vậy, cần chú trọng tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ quản lý giáo dục là những nhà giáo trưởng thành từ cơ sở, có năng lực, uy tín, vừa hồng vừa chuyên, am hiểu sâu sắc thực tiễn giáo dục, nhìn xa trông rộng. Hơn nữa, phải có cơ chế thuận lợi để giáo viên và giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý, cán bộ quản lý cấp dưới tham gia đánh giá cán bộ quản lý cấp trên, cơ sở giáo dục tham gia đánh giá cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục…

Tóm lại, hiện nay, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo là một nhiệm vụ cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. Hoàn thành nhiệm vụ cách mạng này, như Bác Hồ kính yêu từng chỉ dạy, phải thực hành dân chủ và phát huy dân chủ rộng rãi. Phải xã hội hóa, dân chủ hóa giáo dục, đào tạo. Trước hết,phải dựa vào và phát huy vai trò chủ động sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, đội ngũ các nhà sư phạm. Đây là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn của nền giáo dục.

Quả thực, không thể đi đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nếu từ đầu và trong toàn bộ quá trình đổi mới không chú ý khai thác, tập hợp, tiếp thu những ý kiến sâu sắc, những đóng góp đầy tâm huyết, đầy trách nhiệm của các thầy cô giáo, các nhà sư phạm trong cả nước; và không thể gọi là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nếu nội dung hoạt động đổi mới, cải cách ấy không thực sự chú trọng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo … 

Nói cách khác, phát huy vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo là cách thức, con đường, là nhiệm vụ, mục tiêu và động lực để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo của nước ta hiện nay. Làm được như thế là thực sự khẳng định vai trò quyết định của nhà giáo đối với sự nghiệp trồng người.

ThS. Nguyễn Anh Tuấn (Theo www.gdtd.vn)

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo

Album

số lượt truy cập
40581599