Thẩm định việc chỉnh sửa, bổ sung chương trình, tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông dành cho cán bộ công chức (CBCC) đang công tác tại vùng dân tộc, miền núi tỉnh Thanh Hoá

Cập nhật lúc: 09:00 SA ngày 25/11/2020

Sáng ngày 24/11/2020, tại Thư viện, Trường Đại học Hồng Đức, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá thành lập Hội đồng thẩm định về việc chỉnh sửa, bổ sung chương trình, tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông dành cho CBCC đang công tác tại vùng dân tộc, miền núi tỉnh Thanh Hoá.

Tại Hội đồng thẩm định có ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cùng các ủy viên hội đồng; đại diện Vụ Đào tạo bồi dưỡng CBCCVC, Bộ Nội vụ; đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hoá. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Lê Viết Báu, Chủ tịch Hội đồng trường; lãnh đạo các phòng, ban chức năng và nhóm chỉnh sửa, bổ sung tài liệu.

Ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Hội đồng
phát biểu chủ trì buổi thẩm định

Tại Hội đồng, thay mặt nhóm Biên soạn, ThS. Ngô Xuân Sao – Giám đốc Trung tâm NCKHXH&NV, Trường Đại học Hồng Đức đã trình bày báo cáo tóm tắt quá trình chỉnh sửa, bổ sung tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông dành cho CBCC đang công tác tại vùng dân tộc miền núi Thanh Hoá. Tài liệu được chỉnh sửa, bổ sung dựa trên cơ sở kế thừa phát huy những ưu điểm của Bộ tài liệu năm 2008 và bám sát chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Quyết định số: 03/2006/QĐ – BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Quyết định số 44/2006 QĐ – BGD&ĐT) để phân bổ số lượng chủ đề, số lượng bài, cấu trúc nội dung trong từng phần, từng chủ đề, từng bài học phù hợp với phương ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Mông ở Thanh Hoá hiện nay. Tài liệu được biên soạn theo quan điểm và đường hướng giao tiếp, tập trung vào 10 chủ đề chính. Trong mỗi chủ đề có các đơn vị bài học với các hoạt động đa dạng, phong phú để giúp người học phát triển vốn từ, nắm được cấu trúc ngữ pháp và được luyện tập 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong đó ưu tiên phát triển kỹ năng giao tiếp.

Để phù hợp với đối tượng bồi dưỡng là cán bộ, công chức và chương trình dạy học ngắn hạn về tiếng dân tộc thiểu số với tư cách là ngôn ngữ thứ hai, nội dung bài học được xây dựng trên tinh thần tinh giản, thiết thực có tính thực hành cao. Phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học tập là người lớn, có năng lực tự học, tự nghiên cứu. Sau khi kết thúc chương trình, người học có thể vận dụng vào thực tiễn.

ThS. Ngô Xuân Sao – Giám đốc Trung tâm NCKHXH&NV, trình bày
báo cáo tóm tắt quá trình chỉnh sửa, bổ sung tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông 

Các ngữ liệu được đưa vào trong bài học phản ánh tính đa dạng, sinh động về cuộc sống, lao động, sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông, gần gũi với người học. Ngoài ra, một số văn bản thường thức về khoa học, pháp luật, chính trị cũng được đưa vào trong tài liệu để người học có vốn từ ngữ cần thiết, vận dụng trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhìn chung các thành viên hội đồng đều đánh giá cao về tài liệu như: Kiến thức phong phú, đa dạng, chính xác; phản ánh đầy đủ văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán và cập nhật tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá; Dung lượng phù hợp với chương trình bồi dưỡng; Bài đọc thêm thể hiện đa dạng các thể loại văn bản, hấp dẫn; Chủ yếu sử dụng hội thoại kết hợp với bài đọc để khai thác từ ngữ, ngữ pháp và luyện các kỹ năng; Tăng cường tính thực hành, kết hợp và phát triển các kỹ năng đặc biệt là kỹ năng nghe, nói. Sử dụng đĩa CD với nhiều giọng nói khác nhau, học viên có thể sử dụng đĩa CD để luyện nghe; Các nội dung và hình thức luyện tập đa dạng giúp giáo viên vận dụng linh hoạt phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, tạo sự hấp dẫn cho người học. Hình thức trình bày khoa học, đẹp mắt, gây hứng thú đối với cả người dạy và người học.

 
Các uỷ viên hội đồng phát biểu tại thẩm định

Kết quả thẩm định: 100% thành viên hội đồng đều bỏ phiếu thông qua. Tuy nhiên, Hội đồng cũng yêu cầu nhóm tác giả cần chỉnh sửa một số lỗi văn bản, điều chỉnh một số từ ngữ, câu hội thoại mang tính đặc trưng, phổ biến với văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ở Thanh Hoá.

Với tinh thần cầu thị, Nhóm Biên soạn tiếp thu các ý kiến của Hội đồng thẩm định tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng tiếng Mông để đưa vào giảng dạy một cách sớm nhất. Hy vọng rằng, với quá trình biên soạn công phu, khoa học và tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông không những góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn giúp CBCC hiểu hơn về đồng bào dân tộc Mông, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó./.

BBT website

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thông báo

Album

số lượt truy cập
40580049