Người học và người dạy cùng phải sáng tạo

Cập nhật lúc: 03:20 CH ngày 22/01/2013

Khi chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ, sinh viên phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là việc tự học, phương pháp học tích cực; còn cái khó với giảng viên là làm sao rèn luyện cho sinh viên có được phẩm chất này.

 Trong học chế tín chỉ, người học phải làm quen với sự chủ động, chủ động trong đăng ký tín chỉ, chủ động trong học tập, chủ động phát biểu ý kiến cá nhân, trong trao đổi với giáo viên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu muốn có kết quả học tập tốt, chỉ chủ động, lên thư viện đọc sách liên tục, đến kỳ thi học thuộc bài thôi không đủ mà phải có kỹ năng sáng tạo và sáng tạo trong học tập.


Giảng viên chính Nguyễn Văn Vinh – CĐSP Hà Nội nhấn mạnh: Rèn luyện phương pháp tự học phải trở thành mục tiêu phấn đấu của sinh viên. Ngoài việc phải biết xác định mục tiêu và hoạch định kế hoạch học tập, chủ động, tích cực, tự giác thực hiện theo kế hoạch, sinh viên cần nắm vững kiến thức của hệ thống phương pháp học tập tích cực, rèn luyện hệ thống kỹ năng đọc tài liệu, kỹ năng tự đặt và giải quyết vấn đề, kỹ năng phân tích tổng hợp, xây dựng sơ đồ tư duy. 

Sinh viên cũng cần biết vận dụng các phương pháp tự học vào quá trình học tập thường xuyên và liên tục gồm 3 giai đoạn: Tự tìm tòi, quan sát, mô tả, giải thích, phát hiện vấn đề, định hướng, giải quyết vấn đề, tự tìm ra kiến thức mới đối với bản thân, tạo ra sản phẩm ban đầu hay sản phẩm thô có tính chất cá nhân; tự thể hiện mình bằng văn bản, lời nói, tự trình bày, bảo vệ kiến thức hay sản phẩm cá nhân ban đầu của mình, tự thể hiện qua đối thoại, giao tiếp với các bạn, thầy cô, tạo ra sản phẩm mới có tính chất xã hội của cộng đồng lớp học); tự kiểm tra, đánh giá sản phẩm ban đầu của mình, tự sửa sai, điều chỉnh thành sản phẩm khoa học của bản thân. 

Ngoài sự nỗ lực của bản thân người học, giảng viên có vai trò vô cùng quan trọng định hướng cho sinh viên đổi mới tư duy. Theo Th.S Lê Quang Vinh - Trường CĐSP Điện Biên, trong đào tạo tín chỉ, vai trò cố vấn trong quá trình học tập được xem là quan trọng nhất của giảng viên. Với vai trò này, người giảng viên cần phải biết lựa chọn nội dung giảng dạy giúp người học có thể tự khám phá, phát triển các tri thức mới. Ngoài ra, người giảng viên cần hoạt động như một thành viên tham gia vào qua trình học tập trên lớp của người học. 

Th.S Lê Quang Vinh nhấn mạnh, điều quyết định thành công của những biện pháp kích thích nhu cầu tự học của sinh viên là nghệ thuật lôi cuốn đối tượng này vào những hoạt động bổ ích thông qua báo cáo của cá nhân hoặc nhóm trong các giờ học hoặc các buổi semina. Giáo viên cần thường xuyên giao nhiệm vụ học tập cho sinh viên và có biện pháp kiểm tra, đánh giá. Các nhiệm vụ học tập phù hợp với sinh viên là: trả lời câu hỏi theo nội dung bài học, vận dụng kiến thức đã học để giải thích một số hiện tượng trong đời sống. Nhiệm vụ học tập phải đa dạng, có độ phức tạp và khó khăn tăng dần. Bên cạnh đó, giảng viên cần hướng dẫn cho sinh viên phương pháp học tập hiệu quả, biết lập dàn bài, sơ đồ hóa tri thức để học tập và ghi nhớ. Ở mức độ cao hơn, giảng viên có thể tập dượt cho sinh viên nghiên cứu khoa học với những đề tài phù hợp với thời gian, môn học và năng lực của sinh viên...  

                                                                                                                    Theo http://www.gdtd.vn

Các tin mới hơn:

Thông báo

Album

số lượt truy cập
40578933